Nét chữ và tà áo

Không chỉ những dự án lớn hay hành trình vạn dặm mang văn hóa truyền thống Việt Nam lan tỏa ra bạn bè quốc tế, cảm hứng bản sắc dân tộc được giới sáng tạo trẻ ngày càng chú trọng và đưa vào tác phẩm của mình. 
Nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt
Nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt

Những chi tiết nhỏ như con chữ cũng được các nhà thiết kế chú trọng mang dáng hình, bản sắc Việt Nam chân phương, gần gũi.

Bộ font chữ “Vén” của nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt (nghệ danh Đạt Đỗ) gây ấn tượng người xem bằng những yếu tố truyền thống của áo dài và nón lá. Dáng chữ mềm mại thể hiện sự thướt tha của tà áo dài, các dấu mũ và âm sắc mô phỏng theo chiếc nón lá.

Sử dụng thử bộ font chữ cho bài thuyết trình, Ngô Thảo Uyên (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ: “Trong hợp đồng mới, khách hàng của tôi chuộng những yếu tố truyền thống. Qua mạng xã hội và bạn bè giới thiệu, tôi biết đến bộ font chữ và dùng thử, đúng là rất truyền thống, rất Việt Nam. Dáng chữ mang lại cho mình cảm giác rất mềm mại, khách hàng cũng thấy thú vị”.

Để thiết kế một kiểu chữ có thể đọc và gõ được, cần có nhiều thời gian thực hiện; đòi hỏi kỹ năng sử dụng công cụ, tư duy thiết kế dáng chữ và thêm vào đó là kỹ năng lồng ghép câu chuyện, hình ảnh cho kiểu chữ đó.

Nhà thiết kế mỹ thuật Đỗ Trọng Đạt chia sẻ: “Ở kiểu chữ Vén, tôi sử dụng công cụ vẽ vector để lên cấu trúc cho từng dáng chữ, sau đó, tiến hành mã hóa để kiểu chữ có thể cài đặt, và gõ được trên tài liệu thiết kế, văn bản, ấn phẩm… Song song đó, để Vén có linh hồn và cảm xúc, tôi đã lồng ghép hình ảnh nét đẹp của người con gái Việt Nam với tà áo dài, nón lá truyền thống. Tổng thể, Vén cao thon với nhiều nét mảnh, dày đan xen nhau, tạo cảm giác uyển chuyển như tà áo dài và dáng người con gái Việt Nam; đồng thời hình ảnh chiếc nón lá được lồng ghép vào dấu mũ, nét đặc trưng và đáng tự hào của tiếng Việt”. 

Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi các nhà thiết kế không ngừng cập nhật xu hướng mới để theo kịp thị hiếu của người dùng, khán giả… Và muốn khác biệt cần có bản sắc riêng trong từng tác phẩm. Các thành tố văn hóa truyền thống nước nhà sẽ xưa cũ nếu chỉ nhìn vào lịch sử mấy ngàn năm, nhưng đó cũng là cảm hứng, là chất liệu để chúng ta làm mới và làm nên sự khác biệt cho chính mình.

“Một người thiết kế mỹ thuật, muốn trụ vững với nghề, thật sự cần mang trong mình một phong cách thiết kế riêng. Thật may mắn khi là một người con của đất nước Việt Nam, với một bề dày văn hóa truyền thống phong phú về câu chuyện, đa dạng về chất liệu. Đó là lý do tôi quyết định mình sẽ gắn bó và phát triển phong cách thiết kế của mình theo hướng văn hóa nước nhà. Hy vọng những thiết kế đậm bản chất văn hóa Việt sẽ được các bạn ủng hộ và thêm yêu quê hương Việt Nam, bạn bè quốc tế biết đến văn hóa Việt nhiều hơn”, nhà thiết kế Đỗ Trọng Đạt bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục