Neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo

Khi tàu cá vào nơi trú bão, việc làm đầu tiên là phải tìm chỗ neo đậu. Tùy điều kiện khu vực mà có nhiều phương pháp neo đậu khác nhau, thế nhưng với những chiếc thuyền ngoài khơi Hoàng Sa, Trường Sa đang ở giữa cơn bão thì phải neo tàu thế nào?

Nhà báo, Trung tá Lê Văn Chương (Báo Biên phòng), người đã có nhiều công trình nghiên cứu về biển Đông, trong suốt 10 năm tìm hiểu đã gặp gỡ ngư dân để tìm hiểu về về “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo”, qua đó, tàu cá ứng phó bão trên biển có thể vượt qua thời tiết xấu, bám đảo, để có chuyến biển bình an, thuận lợi.

Tháng 4-2008, tàu cá ông Lê Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã cứu vớt được anh Ngô Thủ Lý, là ngư dân ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), bị chìm tàu tại đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong cơn bão mạnh ngày 17-4-2018, phần lớn các tàu cá đều bị chìm, nhưng một số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vẫn sống sót nhờ neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo Trung tá Lê Văn Chương, một chiếc tàu đánh cá có công suất trên 550CV trong diễn biến thời tiết xấu có thể cho tàu rời quần đảo Hoàng Sa để quay về đất liền, tuy nhiên sẽ gây ra những lãng phí, tổn thất và gặp nhiều nguy hiểm hơn là thực hiện neo đậu tại chỗ.

Neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo ảnh 1 Tàu cá của ngư dân lênh đênh trên biển. Ảnh:  LÊ VĂN CHƯƠNG

Thời gian từ Hoàng Sa về đất liền mất khoảng 6 ngày, tiêu tốn 2.000 lít dầu, mất cơ hội đánh cá vì sau mỗi khi biển động thì sản lượng cá gấp nhiều lần so với những ngày biển êm, đây là kinh nghiệm luồng cá của nhiều ngư dân.

Đồng thời, mỗi chiếc tàu trước khi đi Hoàng Sa phải mua thêm rau xanh, đá lạnh, thực phẩm khoảng 40-50 triệu đồng mà chi phí đánh bắt chưa bù lỗ. Thêm vào đó, trong thời tiết bất lợi có thể gây nguy hiểm nếu chạy về, nếu chạy trước dự báo thời tiết sớm thì bỏ phiên biển, nhưng nếu rời đảo muộn thì dễ gặp xoáy trên đường về.

“Nhìn chung, những bất lợi về kinh tế thì không thể thống kê hết” - Trung tá Lê Văn Chương cho biết.

Trong những lần nói chuyện với ngư dân làng chài, Trung tá Lê Văn Chương đã được ngư dân đã chia sẻ câu chuyện neo tàu thuyền trên biển khi gặp bão.

Ban đầu ngư dân chỉ nghĩ ra việc buộc dây ni lông cọ xát với đá nhưng chỉ một thời gian là bị mài mòn, đứt dây. Vì vậy, các ngư dân thay bằng dây cáp hoặc dây xích và sử dụng ốc xoắn, ốc ma ní để siết cổ dây cố định bằng cờ-lê. Việc lặn xuống rạn san hô để thực hiện thao tác này mất khoảng 10 phút, nhưng do ngư dân chuyên làm nghề lặn nên việc ngậm dây hơi “đi dạo” dưới đáy biển rất dễ dàng. Sau khi tìm được nơi có những gốc san hô tốt, những rạn san hô dưới đáy biển được ví như “cây cổ thụ”, thì siết ốc cố định để neo tàu.

Neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo ảnh 2 Dây neo trên thân tàu xuống rạn san hô tốt để neo tàu, trụ bão, bám đảo. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

Thông thường, mỗi tàu cá khi vươn khơi đều mang theo một chiếc phi chứa từ 40m-60m dây xích hoặc dây cáp chịu lực được bảo quản bằng cách đổ nhớt vào để chống ôxy hóa bởi nước mặn.

Đối với các tàu cá có chiều dài thân tàu từ 17m trở xuống thì sử dụng dây cáp hoặc xích phi 28; tàu cá có chiều dài thân tàu từ 17m trở lên thì sử dụng loại dây cáp hoặc xích phi 30. Dây cáp để neo tàu được ngư dân gọi là dây buộc “trố” (trố theo tiếng địa phương là những cục san hô ngầm lớn). Với phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa, tìm chân rạn san hô lớn, chắn chắn sẽ giúp các ngư dân bám trụ qua cơn bão biển.

Trung tá Lê Văn Chương cho biết thêm: “Tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, giải pháp về văn hóa cần được chú trọng.  

Những thói quen trong việc đánh bắt, bám đảo được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mỗi ngư dân sẽ hình thành ý thức trong việc vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện nghĩa vụ của công dân là bảo vệ chủ quyền vùng biển của tổ quốc. Việc chuyển cụm từ "bám biển" thành "bám đảo Hoàng Sa" trở thành nét đẹp văn hóa trong nghề biển của người dân chài Quảng Ngãi”.

Công trình “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo” của Nhà báo, Trung tá Lê Văn Chương, cũng là công trình nghiên cứu Biển Đông đạt giải Đặc biệt Xuất sắc ngày 2-7 vừa qua tại Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục