Nên tôn trọng luật

Mới đây, GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, đã chính thức có thư chia tay với giảng viên, nhân viên của trường này để quay về Mỹ giảng dạy. Lý do mà vị GS này rời đi là bởi không đáp ứng được những quy định trong Luật Giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam để được công nhận vị trí hiệu trưởng. 
Nên tôn trọng luật
Với lý do đó, sự việc đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, có quan điểm đồng tình và có cả ngược lại. Nhưng điều đáng nói nhất là dư luận lại đang đẩy bản chất sự việc sang một hướng hoàn toàn khác, khi phủ định chính sách thu hút trí thức nước ngoài về tham gia đóng góp cho sự phát triển khoa học, giáo dục của nước nhà. 
 
Trong sự việc này, chúng ta nên rạch ròi, sòng phẳng và thượng tôn pháp luật. Đồng thời khẳng định, Bộ GD-ĐT không công nhận hiệu trưởng đối với GS Trương Nguyện Thành là đúng. Mọi quyết định phải căn cứ trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể đó là Luật Giáo dục ĐH, chứ không thể viện lý do “cứng nhắc” hay không. Chắc rằng bản thân GS Trương Nguyện Thành cũng hiểu rõ vấn đề này. Nó cũng giống như việc một công trình khoa học bị từ chối đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS khi không đạt được các tiêu chí của hội đồng biên tập bình duyệt.   
  
Ở góc cạnh khác, một GS giỏi, một nhà khoa học nổi tiếng chưa chắc đã là một hiệu trưởng giỏi, và ngược lại một hiệu trưởng giỏi, một nhà quản trị giỏi chưa chắc đã là một nhà khoa học giỏi. Thêm nữa, chưa hẳn phải là hiệu trưởng của một trường ĐH thì một GS mới có thể đóng góp được cho giáo dục và cho khoa học của nước nhà. Với uy tín khoa học, những trí thức như GS Trương Nguyện Thành hoàn toàn có vị trí cao và được trả mức lương tốt khi trở thành chuyên gia nghiên cứu ở nhiều viện, trường ĐH hàng đầu Việt Nam. 

Trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để thu hút trí thức nước ngoài về nước làm việc. Hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây 11 năm, TPHCM đã tạo bước đột phá như thế nào để thu hút GS Trương Nguyện Thành về đóng góp cho khoa học của TP, với chức danh Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tính toán. Hiện nay, nhiều trường ĐH tại TPHCM đang thu hút được rất nhiều GS, các nhà khoa học hàng đầu của thế giới về làm việc, nghiên cứu khoa học.
Đáng chú ý gần đây là việc TPHCM đang xây dựng đề án và có hẳn các chính sách về tiền lương. Chẳng hạn như trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng đối với chuyên gia và trí thức sau khi trúng tuyển, nếu có học hàm GS, PGS hoặc trình độ tiến sĩ; người có trình độ thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc tốt nghiệp ở nước ngoài được Bộ GD-ĐT công nhận, đồng thời có ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học được cơ quan thẩm quyền công nhận. Mức thưởng 100 triệu đồng cũng sẽ dành cho người trúng tuyển có trình độ thạc sĩ xuất sắc trong nước, loại giỏi trở lên ở nước ngoài và có từ 2 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí chuyên ngành ISI quốc tế uy tín và tương đương; những trường hợp còn lại sẽ được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng… Bên cạnh đó, chuyên gia còn được hưởng các khoản trợ cấp, phần tăng thêm thu nhập phát sinh từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… của đơn vị; các khoản tiền thưởng, tài trợ. Các chuyên gia, nhà khoa học còn được TP xem xét bố trí nhà công vụ, hỗ trợ khoản thuế thu nhập cá nhân; chuyên gia Việt kiều được hỗ trợ thủ tục cấp thị thực Việt Nam, chuyển đổi ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam.

Như vậy, theo tôi không thể đẩy sự việc của GS Trương Nguyện Thành theo một hướng tiêu cực, hoặc quy chụp chính sách thu hút trí thức nước ngoài về đóng góp cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là “trên thảm đỏ, dưới bàn chông”.  

Tin cùng chuyên mục