Nên miễn cho luật sư trách nhiệm tố giác thân chủ?

Chiều 24-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Liên quan đến Khoản 3, Điều 19, Bộ luật Hình sự 2015, theo đó: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự”, tại phiên họp sáng, ĐBQH, Luật sư Nguyễn Chiến (Hà Nội) nhận định, các tội “xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác” được quy định ở đây bao gồm tới hơn 80 tội.

“Như vậy, phạm vi các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu không tố giác) là rất rộng, tác động không nhỏ tới tâm lý người bào chữa, dẫn đến việc bào chữa có thể sẽ hình thức, vì sợ tai nạn nghề nghiệp. Quy định này cũng mâu thuẫn với Luật Luật sư 2012”, ông Chiến lập luận. LS Chiến đề nghị miễn trừ trách nhiệm tố giác thân chủ của mình cho người bào chữa trong mọi trường hợp

Chia sẻ quan điểm của ông Chiến coi tố giác thân chủ phạm tội là trái với đạo đức nghề nghiệp của luật sư, song ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trong trường hợp thân chủ chưa phạm tội mà mới chỉ lên kế hoạch, chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội thì người bào chữa vẫn có trách nhiệm tố giác. Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân ông, chỉ nên quy định 27 tội (thay vì hơn 80 tội như dự thảo) để tạo điều kiện cho nghề luật sư phát triển, giúp luật sư mạnh dạn tham gia vào quá trình giải quyết án hình sự, giảm oan sai, giải tỏa bức xúc xã hội…  

ĐB, LS Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng nếu thực hiện như dự thảo Điều 389 của Bộ luật Hình sự thì “sẽ không ai tin cậy các luật sư Việt Nam nữa”. Theo ông, nếu không thể miễn hoàn toàn trách nhiệm tố giác thân chủ cho luật sư thì phải nêu rõ vào luật là người bào chữa chỉ buộc phải tố giác thân chủ khi “biết rõ và có đủ chứng cứ là nếu không tố giác sẽ gây nguy hiểm cho xã hội”.

* Vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp sẽ bị xử lý hình sự 

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy, quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện trên các quan điểm đã được Quốc hội thống nhất.

Đến nay, các nội dung của dự thảo Luật đã đạt được sự thống nhất giữa Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành hữu quan.

Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án.

Một là giữ như quy định của BLHS năm 2015. Theo đó, đối với 3 tội (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.  

Hai là giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Về tội gây ô nhiễm môi trường, UBTVQH nhận thấy, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt và phải bảo đảm phát triển bền vững. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng: hạ định lượng về mức xả thải và hạ số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó quy định rõ mức khởi điểm để xử lý hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với nước thải và khí thải.

Xử hình sự với tội kinh doanh đa cấp

Về bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, dù còn ý kiến khác nhau nhưng UBTVQH nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, cần bổ sung định lượng nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng, tuy nhiên cần có sự phân hóa giữa việc sử dụng chất cấm và sử dụng chất chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

UBTVQH nhận thấy, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.

BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác…

Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm. Vì vậy, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng định lượng cụ thể các trường hợp xử lý hình sự và bổ sung một số hành vi..

Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, UBTVQH cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và đã lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định. Do đó, trong điều kiện hiện nay của nước ta và đây cũng là vấn đề rất mới nên BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.  

Ngoài ra, UBTVQH đồng ý với Chính phủ trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền như trong dự thảo Luật…          

Tin cùng chuyên mục