Nền kinh tế có thể phục hồi vào cuối năm 2023

Chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng bắt đầu trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Giải pháp phục hồi nền kinh tế, giải ngân đầu tư công chậm là những nội dung được nhiều ĐB quan tâm chất vấn và tranh luận.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC
Triển khai chương trình phục hồi kinh tế sẽ tăng bội chi thêm 1%
Trả lời ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về kinh nghiệm từ các nước khi tung gói hỗ trợ nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phản ứng trước đại dịch chưa có tiền lệ, các nước trên thế giới đã có những quyết sách nhanh, thể hiện ở 2 đặc điểm: gói hỗ trợ lớn, bất chấp kỷ luật, kỷ cương tài chính và chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ, bội chi; thống nhất, quyết định nhanh và làm ngay. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, Mỹ đã có gói hỗ trợ quy mô 27,9%GDP, tăng 21 điểm phần trăm nợ công, nâng nợ công lên tỷ lệ 133% GDP; Trung Quốc có gói hỗ trợ tương đương 6,1% GDP, tăng thêm 9,7 điểm phần trăm nợ công, nâng tỷ lệ nợ công lên 66,8% GDP; Thái Lan có gói hỗ trợ khoảng 19% GDP, tăng 9,4 điểm phần trăm nợ công, nâng tỷ lệ nợ công lên 50,5% GDP… Chính vì vậy, các nước sau khi tiêm phủ vaccine nhanh cộng với các gói hỗ trợ nên kinh tế đã phục hồi.
Chia sẻ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình được thiết kế có quy mô đủ lớn, thời gian phải phù hợp và đảm bảo ổn định vĩ mô, các cân đối lớn nền kinh tế, hướng vào cung - cầu; linh hoạt, phù hợp chính sách tài khóa, tiền tệ gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế… Chương trình sẽ tập trung các chính sách có tác động ngay, kịp thời hỗ trợ trong ngắn hạn, dài hạn, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng vay trả. “Nếu được Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì chương trình sẽ triển khai trong năm 2022, 2023 và thực hiện ngay từ đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đặt câu hỏi: Năm 2022, chúng ta đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%-6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4%, bội chi ngân sách 4%. “Các chỉ số của năm 2022 đã dự báo nguy cơ nhập khẩu lạm phát, tác động của dịch Covid-19 và đã bao gồm gói phục hồi nền kinh tế mà Chính phủ đã dự kiến chưa?”, ĐB Sơn đặt câu hỏi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chỉ tiêu năm 2022 đều căn cứ vào tình hình thực tiễn, có tính đến kiểm soát dịch bệnh quý 4, khả năng phục hồi kinh tế khi mở cửa trở lại; lạm phát được kiểm soát trong tính toán. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, tỷ lệ bội chi của năm 2022 chưa tính đến việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế. Trường hợp triển khai chương trình này sẽ khiến bội chi tăng thêm 1%. Nếu kinh tế phát triển, quy mô GDP lớn lên thì các chỉ số về nợ công, bội chi giảm đi và không tác động lớn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
“Gói kích thích phục hồi nền kinh tế sắp tới giống và khác như nào so với trước đây? Thời điểm nào được coi là phục hồi?”, ĐB Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) chất vấn. Đánh giá là câu hỏi hay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, Việt Nam đã đưa ra gói kích cầu có quy mô 122.000 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng… Trong đó, gói kích cầu năm 2009 hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương 5,6% GDP. Kết quả đạt được là đã đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, có tăng trưởng kinh tế dương. Song, gói hỗ trợ khi đó cũng mang lại những hạn chế bất cập là: chỉ tập trung hỗ trợ nguồn cung; chính sách lãi suất thiếu đồng bộ dẫn đến trục lợi chính sách (như: vay vốn lãi suất thấp ở ngân hàng này gửi ngân hàng khác, vốn đổ vào thị trường chứng khoán, lạm phát cao, đầu tư dàn trải…). 
Về thời điểm phục hồi nền kinh tế, theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, hiện chưa có quan điểm thống nhất về thời điểm và như thế nào là phục hồi. Nhưng phục hồi là khi các hoạt động của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đi lại của người dân trở lại bình thường và đà tăng trưởng kinh tế đạt được như trước khi dịch. “Dự tính, nếu thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế thì cuối năm 2022 sẽ bắt đầu quá trình phục hồi, sau đó tăng dần. Đến cuối năm 2023, nếu kiểm soát tốt các gói đã đưa ra thì đất nước sẽ trở lại trạng thái bình thường như chúng ta mong muốn, kỳ vọng”, Bộ trưởng Dũng nói.
Phải chỉ rõ nguyên nhân cốt lõi của việc giải ngân đầu tư công chậm
Trả lời ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây không phải là lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công chậm được nêu tại kỳ họp Quốc hội. Người đứng đầu Bộ KH-ĐT liệt kê hàng loạt nguyên nhân: công tác chuẩn bị dự án kém, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, mất nhiều thời gian; giải phóng mặt bằng chậm… Song, theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính vẫn là ở khâu thực hiện. Hiện toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương. Bộ KH-ĐT chỉ còn 3 chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Đến hết tháng 10 có 30 địa phương giải ngân dưới 50%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các ĐB, đoàn ĐB Quốc hội ở địa phương “trả lời giúp”. 
Nền kinh tế có thể phục hồi vào cuối năm 2023 ảnh 2 Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong giải ngân đầu tư công chậm? Đại biểu TẠ VĂN HẠ (Quảng Nam)
Về giải pháp, theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, công tác giải ngân cần thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn theo các nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời Tổ công đặc biệt của Thủ tướng cần phát huy tinh thần để tháo gỡ vướng mắc. Bộ KH-ĐT cũng đang rà soát, xem có vướng mắc trong luật hay không để đề xuất sửa đổi...
Trả lời tranh luận của ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vấn đề giải ngân chậm không nằm ở luật pháp vì đã phân cấp triệt để cho các địa phương và bộ cũng quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin. Các kế hoạch mà bộ, ngành, địa phương đưa lên hệ thống, nếu thấy đúng thì bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại. Do đó, việc chậm giải ngân có nguyên nhân là các bộ, ngành, địa phương thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không thể giải ngân. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Bộ KH-ĐT cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không làm hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp và đưa lên con số không sát thực tiễn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Bộ KH-ĐT nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên và xin hứa khắc 
phục vấn đề này thời gian tới. Theo Bộ trưởng, dự báo đến cuối năm nay, giải ngân không thể cao bằng năm 2020, chỉ đạt 80%-85%.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ quan điểm, năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98% nhưng 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%. Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng tại sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp? “Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu và cho biết, trong đó, 16.000 tỷ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bổ được đồng nào, 56.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa được phân bổ. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và phải đột phá ở đâu. Bởi, nếu không làm rõ trách nhiệm ở đâu, kiểm tra giám sát thì dù Quốc hội chất vấn xong, có nghị quyết cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. 

Tin cùng chuyên mục