Nên có nhiều kịch bản tăng trưởng ​

Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021…
Quang cảnh phiên họp tổ ĐBQH TPHCM sáng 2-11
Quang cảnh phiên họp tổ ĐBQH TPHCM sáng 2-11

Ngọn hải đăng trong chống dịch và điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế

Tại tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh “khó khăn kép”, kết quả đạt được của Việt Nam là khá khả quan. “Chỉ 3 nước châu Á tăng trưởng dương là Brunei, Myanmar và Việt Nam. Cần thấy rằng không chỉ phải đối phó với những khó khăn bên ngoài, mà tình hình thiên tai, lũ lụt trong nước cũng diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 làm 35 người chết, nhưng thiên tai từ đầu năm đến nay đã làm hơn 200 người chết và mất tích”, ĐB nhận định.

Đại biểu Nguyễn Văn Nên và đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trao đổi tại tổ. Ảnh:  QUANG PHÚC

Theo ĐB, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là đảm bảo an sinh xã hội. ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận: “Thế giới ca ngợi Việt Nam là ngọn hải đăng trong chống dịch, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế, tôi cũng đồng ý như vậy. Đặc biệt, chúng ta vẫn xuất khẩu tốt (là 1 trong 4 nước có xuất khẩu dương, và tăng trưởng cao nhất)”.

Tuy nhiên, do năm 2021 vẫn quá nhiều yếu tố bất định, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng hơn thay vì chỉ để 1 phương án phấn đấu là 6%. Có thể tham khảo dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) với kịch bản cao là 6,8% và thấp là 4,5%.

Về các giải pháp điều hành cụ thể, ĐB đề nghị sử dụng dự phòng ngân sách để tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung; ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Triển khai đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao…

ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng hơn. Ảnh: QUANG PHÚC 

Lưu ý đặc biệt đến chính sách tài khóa tiền tệ, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, trong tình hình đặc biệt của năm nay thì bội chi là tất yếu. Theo ông, chính sách điều hành tiền tệ đang đi đúng hướng: thận trọng và dựa trên sức cầu để mở rộng cung tiền một cách phù hợp.

ĐB Trần Anh Tuấn thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi ghi nhận những thành công trong công tác điều hành của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn tình hình năm 2020.

“Điều dễ nhận thấy nhất là sự linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành. Trong khó khăn, đặc biệt là trong dịch bệnh, thiên tai, sức dân nổi bật như nguồn lực vĩ đại, không gì thay thế được, nếu biết huy động thì sẽ là chỗ dựa hết sức quan trọng”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bình luận.

Theo ĐB, thuận lợi rất căn bản của Việt Nam đã kiềm chế được dịch bệnh và có được sự tín nhiệm, đồng thuận, đồng lòng rất cao của nhân dân. Tuy nhiên, nguồn lực to lớn này cần được hướng dẫn, quản lý thống nhất để phát huy hiệu quả tốt nhất sức dân; không nên để phát triển tự phát.

Hiến kế thích ứng với “bình thường mới”

Về kế hoạch trước mắt, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, cần tập trung kích hoạt lại sản xuất kinh doanh, tận dụng những cơ hội tạo ra khi Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

“Người dân đã bắt đầu đi du lịch trong nước; nhưng có vẻ như ngành này chưa sẵn sàng khởi động lại: quảng bá thế nào, giảm giá và chăm sóc khách hàng như thế nào?  TPHCM kết nối với các vùng miền như thế nào? Cú hích của nhà nước đâu? Dường như tất cả những điều này còn khá chung chung, chưa cụ thể”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Cho rằng dư địa cho nông nghiệp còn rất lớn, và vừa qua ngành này đã phát huy vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, ĐB Quyết Tâm đề nghị chú trọng khâu triển khai chính sách, nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của nông nghiệp, song ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn mà nông nghiệp phải là chiến lược bền vững, lâu dài của nước ta, tất nhiên là nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá”.

Vẫn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả tuy có yếu tố khách quan là tình hình dịch bệnh, nhưng cũng có yếu tố là chưa có sự chuẩn bị kỹ càng.  Một số vụ kiện tụng quốc tế đã xuất hiện, cho thấy yêu cầu cấp thiết phải tập hợp được một đội ngũ luật sư giỏi cả trong nước và nước ngoài.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Về tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới, ĐB Nghĩa nêu vấn đề, việc thích ứng với "bình thường mới" cũng cần tỉnh táo, nhất là trong bối cảnh các nước vẫn còn chưa mở cửa. “Hàng hoá sản xuất nhiều, khách mở cửa, nhưng chưa có người tiêu dùng, thì sao? Cần có những cách làm sáng tạo”.

Ghi nhận những thành quả vừa qua, song ĐB Trương Trọng Nghĩa “cảnh tỉnh”: “Chúng ta vừa bước vào tốp 4 ASEAN về quy mô nền kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Sức mạnh của quốc gia ở chỗ đó, chứ không chỉ thuần tuý là quy mô”.

Vì lẽ đó, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, tới đây cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng là đầu tư có trọng tâm vào công nghệ cao, đồng thời với việc khơi dậy sức dân, bồi bổ cho khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, không thể lơ là các nhiệm vụ an ninh quốc phòng…

Tin cùng chuyên mục