Nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập? ​

Chính phủ đang thực hiện giảm biên chế theo lộ trình, ngành giáo dục cũng không đứng ngoài cuộc. Việc giảm biên chế giáo viên "đau" nhưng vẫn phải làm...

Tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học diễn ra ngày 24-8 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia tranh luận về vấn đề đào tạo, sử dụng giáo viên.

Chỉ cần có việc làm, lương cao, người giỏi sẽ vào sư phạm

Theo đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công công tác cho sinh viên sự phạm sau khi tốt nghiệp và tín dụng sư phạm.

Một số chuyên gia đồng tình với đề xuất này để hút người giỏi vào sư phạm.

Mở rộng hơn vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, đào tạo giáo viên cũng cần thay đổi. Nên cấp chứng chỉ hành nghề sư phạm.

“Nên cấp "ưu đãi" cho đào tạo sư phạm, tức là ai muốn học thì sẽ được cung cấp tài chính sư phạm, được bố trí công việc, như thế sẽ hút được người giỏi vào sư phạm”, PGS-TS Nguyễn Quý Thanh kiến nghị.

Nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập? ​ ảnh 1 Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo
PGS-TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học giáo dục cũng nhận xét, đào tạo sư phạm hiện nay vẫn nhẹ về đào tạo đạo đức giáo viên, kỹ năng sư phạm.
“Cần thay đổi trong đào tạo sư phạm, phải hút được người giỏi vào sư phạm, ví dụ ai giỏi nhạc, họa, thể thao... đều có thể trở thành giáo viên sau khi tham gia lớp chứng chỉ sư phạm. Như vậy sẽ “chiêu hiền đãi sĩ” được cho ngành sư phạm”, PGS-TS Đặng Bá Lãm nêu quan điểm.

Đáng chú ý, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, (Hà Nội) có đề xuất táo bạo về vấn đề giáo viên. Thầy Khang đồng ý với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, nếu luật hóa được điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn.

Tuy nhiên, việc ưu đãi đó theo thầy Khang trong bối cảnh hiện nay không cải thiện được nhiều cuộc sống của nhà giáo. Thực tế hiện nay lương hành chính sự nghiệp công lập của nước ta rất thấp, người lao động không sống được bằng lương. Giáo viên công lập cũng trong tình trạng đó. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là năng suất lao động của người Việt Nam quá thấp.

“Chính sách không vẽ ra được tiền. Chỉ có năng suất lao động mới tạo ra của cải vật chất và tiền bạc. Cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải cơ cấu lại hệ thống các trường công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên; giảm biên chế thừa; cho nghỉ việc những người năng lực yếu kém... Làm được việc này năng suất lao động sẽ tăng, lương nhà giáo sẽ tăng, cuộc sống nhà giáo sẽ ổn định bền vững. Không cần chính sách ưu đãi nào khác", thầy  Khang nói.

Giáo viên chấp nhận dạy hợp đồng lương thấp nhiều năm để chờ biên chế

Đặc biệt, thầy Khang đề xuất nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập, thay bằng chế độ hợp đồng dài hạn để khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm, thay vào đó khích lệ sự sáng tạo, vươn lên.

Theo thầy Khang, sự việc vừa qua với hơn 400 giáo viên ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị cắt hợp đồng “vừa đau vừa đúng”.

Thầy phân tích, chủ trương của huyện Thanh Oai về chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp trước đây UBND huyện đã ký hợp đồng tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền là đúng, nhưng xã hội thấy đau. 

“Đau nhưng đúng, chúng ta phải giải quyết hậu quả của nhiều năm trước. Chính phủ đang thực hiện giảm biên chế theo lộ trình, ngành giáo dục cũng không đứng ngoài cuộc. Việc giảm biên chế giáo viên đau nhưng vẫn phải làm”, vị chuyên gia giáo dục có uy tín nhận xét.

Nên bỏ biên chế vĩnh viễn với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập? ​ ảnh 2
Thầy Nguyễn Xuân Khang trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Ông cũng đặt vấn đề, các giáo viên ở Thanh Oai này lương rất thấp, “phải chăng năng suất lao động thấp thì họ mới chấp nhận mức lương đó”.

Cũng theo phân tích của thầy Khang, hiện nay việc miễn học phí không còn hấp dẫn sinh viên sư phạm.

“Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra tín dụng sinh viên chỉ là giải pháp thay thế, nhưng tôi nghi ngờ tính hiệu quả có nó, chắc cũng sẽ không hiệu quả như miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Sinh viên sư  phạm họ quan tâm học xong có việc làm không, lương có đủ sống không. Chỉ cần giải quyết 2 việc này thí sinh sẽ vào ngành sư phạm, không phải là vấn đề tín dụng, học phí,  bởi họ sẽ tự xoay xở được”, thầy Khang đề xuất.

Tín dụng sinh viên chỉ nên là dừng ở việc cho sinh viên nghèo vay để học; sinh viên xuất sắc được tặng học bổng.

Phản biện lại ý kiến của thầy Khang, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lại cho rằng, do biên chế giáo viên không được mở rộng, nhiều giáo viên chấp nhận dạy hợp đồng với mức lương bèo bọt để chờ cơ hội vào biên chế, “chứ không phải họ có năng suất lao động thấp như thầy Khang nói về các thầy cô ở Thanh Oai”.

“Tôi biết có trường hợp trình độ khá, nhưng dạy hợp đồng lương 900.000 đồng/tháng chỉ để chờ được vào biên chế”, thầy Tạ Ngọc Tấn nói. 

GS-TS Tạ Ngọc Tấn cũng đồng ý lương giáo viên phải được ghi rõ trong Luật Giáo dục là xếp cao nhất khối hành chính sự nghiệp, phù hợp với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.

“Giáo dục đừng chỉ nhìn vào việc tốn tiền nong, vấn đề là phải quản lý để tránh thất thoát, tiêu cực. Đào tạo sư phạm phải toàn diện, nhất là về nhân cách sống, giỏi mà không có nhân cách là vô dụng. Tri thức cần nhưng nhân cách, lối sống còn quan trọng hơn trong đào tạo sư phạm”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nói.

Tin cùng chuyên mục