Nấu ăn cũng là để nhớ quê hương

Từng là phóng viên “chiến trường” khi còn công tác ở mảng thể thao, tôi đã lăn lộn đủ các  “mặt trận” thể thao từ nhỏ đến lớn, từ SEA Games, ASIAD cho đến Olympic, Euro và World Cup.
Mâm cơm đậm phong vị quê nhà trong ngày Lễ Tạ ơn ở Mỹ
Mâm cơm đậm phong vị quê nhà trong ngày Lễ Tạ ơn ở Mỹ
 Với mười mấy năm độc lập tác chiến ở xa quê hương, tôi cũng tự tin với kỹ năng “sống sót” của mình, nhất là ở khâu ăn uống. Nhưng từ sau chuyến tác nghiệp tại Nam Phi xa xôi dịp World Cup 2010, tôi đã “tỉnh ngộ” và thay đổi suy nghĩ của mình về khoản ẩm thực. Thức ăn châu Á, đặc biệt là cơm thực sự là món không thể thiếu với người Việt chúng ta. Hơn 7 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác được ăn ngấu ăn nghiến bát cơm nguội của bà chị khi quay lại Johanesburg - nó sung sướng và hạnh phúc biết bao nhiêu. 
Giờ, đến Mỹ để du học, tôi sống tại thành phố Denton, Texas. Đây là một thành phố cổ nằm cách trung tâm Dallas khoảng 90 phút lái xe và cách các thành phố có đông người Việt Nam sinh sống tại vùng Dallas - Fort Worth (Arlington, Garland) với quãng thời gian tương đương.
Rút kinh nghiệm từ đợt World Cup, sau buổi học tôi chịu khó mày mò tự nấu các món ăn Việt Nam với các gia vị ít ỏi mang theo khi đến xứ cờ hoa - vừa là để hợp khẩu vị, và đó cũng là một cách để đỡ nhớ nhà. Khi gần cạn gia vị, thì đấy là lúc khả năng ứng biến và sự tiết kiệm phải được phát huy tối đa. Một gốc hành khi ăn cũng giữ lại gốc để trồng, hay chậu húng quế nhỏ bằng bàn tay cũng chỉ dám ăn ba chiếc lá cho một tô bún thịt bò xào. Sướng nhất là khi được người quen tặng ít lá chanh, thì món ăn ngày nào cũng ngấy là thịt gà (món này xứ Mỹ bán rất rẻ, nhiều lúc chỉ 1-2 usd là có một con gà bự chảng) đã trở thành… yến tiệc.
Thế mới biết tại sao người ta cứ phải nói ẩm thực chính là văn hóa, là sự tinh túy của quê hương.  Rồi cái ngày tôi nhận được bằng lái xe và mua được bảo hiểm, thì nỗi sợ hãi khi lái xe trên cao tốc Mỹ trở thành chuyện nhỏ để đi một lèo về Garland để thỏa thê mua sắm tương cà mắm muối. Kể từ đó, trong thực đơn mỗi buổi chiều tan học của tôi trở nên phong phú hương vị Việt, kể cả món thịt luộc mắm tôm cũng có cả. Biết đâu đó cũng là động lực khiến sức học cuối kỳ của tôi trở nên mạnh mẽ hơn.
Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) của nước Mỹ vừa diễn ra. Trong sự kiện này,  món gà tây là món chủ đạo của người dân nơi đây. Nhưng đa số người Việt chúng ta thì chê gà tây khó ăn. Nên vì thế, có thể có gà ta hay gà công nghiệp cho hợp cảnh, còn thì các món ăn Việt đều là món chủ đạo trong sự kiện mà không ít người Mỹ đánh giá quan trọng hơn cả Noel hay năm mới.
Trên các kênh radio hay tivi của người Việt đã tràn ngập các  quảng cáo món ăn Việt Nam nhân dịp này. Tại các khu chợ người Việt ở thành phố Arlington (Bến Thành Plaza, Chợ Sài Gòn, Asia Time Square, May Hao), đông đảo kiều bào ta và các em sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học tại đây đến mua sắm như trẩy hội thật là vui. Tối qua, tôi hân hạnh được vợ chồng chị Hương (trước ở gần chợ Thị Nghè) mời đến nhà vào dịp Lễ Tạ ơn. Thực đơn có bún bò, dê giả cầy, cơm chiên dương châu và xôi khúc.
Đó là Lễ Tạ ơn đầu tiên của tôi ở xứ Mỹ, và chắc chắn sẽ khó có thể quên khi được “phụ họa” bằng những món ăn Việt Nam như thế. Thế mới biết sự khó khăn của kiều bào ta hay các sinh viên Việt Nam đang du học khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng ít có người Việt, là lớn đến nhường nào. Nhưng tôi tin chắc, bằng cách này hay cách khác, tất cả sẽ có nhiều cách ứng biến, nhất là trong khâu ẩm thực, để có thể bồi bổ cơ thể mang dòng máu đỏ da vàng với những món ăn ít nhiều mang phong vị của ẩm thực Việt. Và đó cũng là một cách để vơi bớt nỗi nhớ quê hương!

Tin cùng chuyên mục