NATO trước áp lực từ Mỹ

Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt nhạy cảm với chi phí về sự đảm bảo an ninh của Mỹ cho các đồng minh của mình, ở châu Á cũng như châu Âu.

 

NATO trước áp lực từ Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là thương hiệu liên minh “lỗi thời”. Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO năm 2017, ông Donald Trump nói châu Âu không “công bằng” với người nộp thuế ở Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước, ông Trump đánh giá NATO còn “tồi tệ hơn NAFTA (Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ)”. Và trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới, sự giận dữ của ông Trump vẫn chưa dừng lại với nhiều lá thư gửi cho lãnh đạo các nước thành viên NATO đòi hỏi họ phải có trách nhiệm nhiều hơn.

CNN dẫn nhận xét của các nhà phân tích cho rằng xét cho cùng, quan điểm của ông Trump với NATO cũng không khác gì với các thỏa thuận đa phương khác như Hiệp ước khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và cả không ưa gì Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông Trump nói các đồng minh hàng đầu của Mỹ chỉ quan tâm đến “con heo đất” của Washington.

Thái độ của ông Donald Trump và triết lý “Nước Mỹ trước tiên” làm phức tạp thêm những nỗ lực của các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May. Họ phải vận động người dân của mình chấp nhận chi tiêu quốc phòng nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Và họ cũng sẽ hầu như không được công chúng ủng hộ để triển khai quân đội cho bất kỳ cuộc chiến tranh nước ngoài nào do Mỹ đứng đầu. Một lo ngại lớn từ các đồng minh của Mỹ trong NATO là ông Donald Trump có thể gợi ý công khai rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO không chi tiêu đủ - động thái có thể phá vỡ khái niệm quốc phòng tập thể vốn là bản sắc của NATO. 

Không phải riêng ông Donald Trump đề cập đến chuyện này. Sự chậm trễ của các chính phủ thành viên NATO trong thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng đạt 2% GDP và khả năng đóng góp giảm sút của các cường quốc quan trọng trong NATO như Anh khiến Washington sốt ruột. “Nếu chúng ta có một cơ chế phòng thủ tập thể, điều đó có nghĩa là mọi người đều phải tham gia và tôi lo ngại về mức chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm trong một số đối tác ở NATO”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Brussels năm 2014. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush cũng đã kêu gọi các thành viên NATO “tăng cường đầu tư quốc phòng để hỗ trợ cho cả 2 hoạt động của NATO và EU”. Theo báo cáo được công bố cách đây một năm, chỉ có 6/29 quốc gia thành viên NATO chi 2% GDP cho quốc phòng, một mục tiêu mà tất cả các thành viên đến năm 2024 phải đạt được.

Tổng thống Mỹ, dù muốn hay không, cũng sẽ bị người dân nước này chất vấn rằng tại sao một số nước không chia sẻ gánh nặng an ninh tập thể của NATO trong khi lính Mỹ tiếp tục hy sinh cuộc sống của họ ở nước ngoài hoặc trở về nhưng thương tật. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng cùng với chính sách thực dụng, sự “ngán ngẩm” của Tổng thống Mỹ Donald Trump với NATO đang đe dọa dẫn đến một sự gián đoạn tạm thời “kết nối xuyên Đại Tây Dương”. Điều này có nguy cơ đẩy hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới đi vào vết xe đổ của hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, khi ông Donald Trump bỏ về sớm.

Tin cùng chuyên mục