Nặng tình với áo dài

96 tuổi, mắt đã lòa, cụ Đẹ ngạc nhiên khi biết có cô Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, một khách lạ từ miền Nam xa xôi tới tận làng mình, nhà mình chỉ vì muốn xin tấm áo dài cũ. “Các anh chị nán lại ăn bữa cơm quê Bắc bộ”, nói rồi gia đình cụ Đẹ tranh thủ “hội ý” ba thế hệ con cháu về việc có tặng lại hay không chiếc áo dài đã theo cụ suốt cuộc đời trình diễn…

Hành trình mang về áo dài di sản

 “Con cháu nhà cụ Đẹ muốn lưu giữ những kỷ vật liên quan đến sự nghiệp của cụ lâu dài. Nhưng cuối cùng, nể tình chúng tôi từ xa đến thỉnh cầu tha thiết và có vẻ “không cho không về”, gia đình đã trao tặng tấm áo theo suốt một đời cụ Đẹ. Thật sự xúc động khi được nâng niu trên tay tấm áo dài bằng loại vải mộc mạc, đơn giản của người nghệ sĩ lớn ấy”, cô Vân nhớ như in cảm xúc đặc biệt trong lần đến Hải Dương thăm nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ - người được mệnh danh “đệ nhất danh cầm đàn đáy”. Gần một năm sau ngày ấy, cụ Đẹ ra đi và tấm áo dài theo suốt cuộc đời người nghệ nhân đặc biệt ấy trở thành báu vật vô giá của Bảo tàng Áo dài.

Cũng trong hành trình mang về áo dài di sản, cô Vân “khăn gói” tìm đến làng Thổ Hà (Bắc Giang), quê hương của nghệ nhân quan họ Nguyễn Phú Hiệp. Ông gắn bó quan họ từ thời niên thiếu, đã cất công sưu tầm được khoảng 200 làn điệu, gần 600 lời ca quan họ cổ. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016. “Biết chúng tôi đường xa tâm huyết đến đây sưu tầm áo dài, người nghệ sĩ ấy lựa chiếc áo dài từng mặc trình diễn cho các thành viên UNESCO xem vào năm 2009 tặng. Khi chia tay chiếc áo cũ kỹ thân thương, anh bịn rịn, luyến lưu sờ từng tấc gấm, tấc the và hát một khúc quan họ da diết...”, cô Vân kể lại.

Nặng tình với áo dài ảnh 1 Cô Huỳnh Ngọc Vân làm người dẫn chuyện cho sinh viên tại Bảo tàng Áo dài (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát)
Trở lại miền Nam, đến xã Bình Ân (Tiền Giang), cô Vân đưa tất cả nhân viên Bảo tàng Áo dài đến thăm danh cầm Phan Đức Huệ với ngón đờn tay trái. Cô kể, dẫu sức khỏe bác Huệ giảm sút nhưng tình yêu đờn ca tài tử vẫn cháy bỏng. Rồi khi bảo tàng ngỏ lời xin áo dài, bác khấn lạy trước bàn thờ tổ tiên, kéo ngăn tủ thờ, lấy ra một chiếc áo xưa. Ai trong đoàn cũng sững sờ khi biết bác quyết định tặng bảo tàng không phải chiếc áo của mình mà là tấm áo thiêng liêng của người cha quá cố - nghệ nhân Phan Văn Trạch. “Đó là một nông dân mộc mạc, không có cả di ảnh, nhưng góp phần đào tạo nên danh cầm Đức Huệ và CLB Bình Ân nức tiếng đến ngày nay”, cô Vân xúc động bày tỏ.

Hiểu rõ giá trị những tấm áo dài thực sự thấm mồ hôi của nghệ nhân, cùng chiến dịch sưu tầm trong 2 năm (2017 và 2018), cô Vân đã mang về bảo tàng những tấm áo độc nhất vô nhị.

"Có nhiều người về hưu rồi sẽ muốn sống cho mình. Nhưng Huỳnh Ngọc Vân đã neo lại tâm hồn mình ở bảo tàng. Neo một cách nồng nhiệt, mạnh mẽ, đầy tâm huyết. Chính từ Vân, tôi biết về Bảo tàng Áo dài, hành trình mang áo dài lan tỏa trong cộng đồng. Hiếm có một con người như thế, không những tạo ra không gian văn hóa áo dài mà còn đằm mình trong cuộc sống, níu kéo lại những linh hồn của dân tộc. Nếu không có những con người đáng trân trọng như Vân thì hành trình áo dài lan tỏa rất khó thành công"

Nghệ nhân Ưu tú ví - giặm Hồng Oanh

Mong áo dài trở nên thật đời

Vượt 20km từ trung tâm TPHCM đến Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức, TPHCM), khung cảnh ở đây mộc mạc, trong lành. Len lỏi trong khu vườn xanh mát, các sinh viên cũng tìm đến đây như một trường học đặc biệt về văn hóa, để được thấy, được nghe chuyện áo dài. Cô Vân trong chiếc áo dài tím nền nã, khuôn mặt phúc hậu, giọng hiền hòa, nói với chúng tôi: “Đã từ lâu, cô quan niệm bảo tàng cũng là trường học đối với sinh viên, bổ sung nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Cô mong người trẻ đến bảo tàng tận mắt nhìn thấy sự phát triển văn hóa dân tộc và thông qua áo dài hiểu được câu chuyện của những nhân vật đóng góp lớn lao trong công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Các em sẽ tự hào khi áo dài hội nhập quốc tế, luôn gắn với sự phát triển đất nước”.

Bảo tàng Áo dài được thành lập bởi nhà thiết kế Sỹ Hoàng từ năm 2014, đồng hành thầm lặng cùng anh trên hành trình lan tỏa áo dài không ai khác là cô Huỳnh Ngọc Vân. Chính cô là người âm thầm vun đắp, từng đêm cặm cụi soạn thảo đề cương, kịch bản trưng bày, triển lãm chuyên đề tại bảo tàng, với mong muốn áo dài sẽ không chỉ xuất hiện trong lễ hội, sự kiện ngoại giao, ngày trọng đại của đời người mà còn trở nên thật đời, gần gũi. Cô lặng lẽ, cần mẫn “đãi cát tìm vàng” trong bảo tàng non trẻ ấy, tìm những câu chuyện vô giá từ áo dài để kể lại. Bảo tàng Áo dài đang cố gắng lập hồ sơ để nghề may áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. “Cô tin, nhiều người sẽ hiểu, sẽ thương áo dài thật nhiều. Nếu không mặc thường xuyên thì đến những ngày lễ quan trọng, hay ít nhất một lần trong đời, hãy mặc áo dài”, cô bày tỏ.

Trước khi đồng hành cùng Bảo tàng Áo dài, cô Huỳnh Ngọc Vân có 26 năm gắn bó cùng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Bảo tàng tưởng chừng riêng dành cho quá khứ, tưởng chừng khó thu hút công chúng ấy, vậy mà cô luôn biết cách để những chứng tích lịch sử lên tiếng. Khi cô Vân còn ở vị trí Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, những chuyên đề triển lãm như: Phụ nữ Việt Nam thời chiến, Trẻ em Việt Nam thời chiến, Hậu quả của chất độc da cam, Tình yêu trong chiến tranh, Áo dài Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh… từng gây ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Bên cạnh những triển lãm tại chỗ, mỗi năm bảo tàng đưa 10-12 triển lãm tới người dân các tỉnh, thành trong cả nước; đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Bảo tàng từng nằm trong Top 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á và Top 10 Bảo tàng đẹp nhất thế giới… Kết quả này là cả quá trình nỗ lực của cán bộ, công nhân viên bảo tàng, đặc biệt sự đóng góp lớn của cô Vân.

Cùng kiến thức chuyên ngành lịch sử được đào tạo ở Nga, các khóa tu nghiệp với những chuyên gia bảo tàng khắp nơi trên thế giới, cô Huỳnh Ngọc Vân vận dụng sáng tạo thực tế tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Cô cố gắng tìm cách thức thể hiện mới, thu hút, bởi cho rằng có như vậy lịch sử dân tộc mới đi vào lòng thế hệ hôm nay, được thấu hiểu một cách đủ đầy. Các hiện vật lịch sử được xếp có hệ thống, khoa học, tất cả cùng kể một câu chuyện về Việt Nam trong thời chiến. Cô tâm sự: “Làm bảo tàng, mình luôn nghe những câu chuyện đau thương, tiếp xúc với bao hiện vật rất khủng khiếp. Thậm chí về không ngủ được, ám ảnh tuần này qua tuần khác. Nhưng bắt buộc phải có ai làm chuyện đó chứ? Mình ráng vượt qua căng thẳng, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp để cùng học, cùng làm. Làm bảo tàng không thể làm một mình, bởi tổ chức các triển lãm, chuyên đề buộc phải thực hiện chu đáo, hiệu quả để người dân, khách tham quan cảm nhận được ý nghĩa lịch sử là cả câu chuyện dài”.

Đến tận bây giờ, dù đã lớn tuổi, bên cạnh việc cùng Bảo tàng Áo dài âm thầm gìn giữ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa, cô Vân tiếp tục đi giảng bài cho nhiều bảo tàng địa phương, chia sẻ kinh nghiệm cho lớp trẻ sau này. Chưa kể, cô còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như trung thu, tết ấm cho trẻ em nghèo, tặng quà cho học sinh khó khăn… Dường như cả cuộc đời mình, cô chưa bao giờ ngơi nghỉ cống hiến cho di sản.

LTS: Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt lần 2, năm 2020-2021 được Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động từ ngày 19-6-2020. Theo kế hoạch, ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi đến ngày 31-5-2021 và lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021).

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp lễ 2-9 năm nay. Ban tổ chức tiếp tục đón nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 15-8-2021. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục