Nâng tầm kỹ năng cho người lao động không thể trễ hơn

Sáng 25-6, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn (TPHCM) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng trong và ngoài nước”.

Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là chuyên gia dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; đại diện các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam.

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia đã dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hết năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta gần 52 triệu người (tăng khoảng 1,7 triệu người so với năm 2020); lao động khu vực thành thị đạt trên 42% (cao hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (18%). Con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn đầu dân số vàng, các chuyên gia tại hội thảo cũng có chung nhận định, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội để Việt Nam thoát khỏi nhóm thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Đặc biệt, việc nâng cao kỹ năng lao động càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết, khi Đảng và Nhà nước đã và đang coi nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Để đáp ứng nâng cao kỹ năng lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục cần được đổi mới hơn nữa.

Nâng tầm kỹ năng cho người lao động không thể trễ hơn ảnh 1 Lãnh đạo Phòng GDNN, và các Hiệp hội chủ trì buổi hội thảo
Đồng thời lưu ý, TPHCM và các tỉnh, thành cần làm tốt hơn công tác dự báo, cập nhập dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển sinh; giải quyết việc làm cho người lao động qua đào đạo nghề, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề. Ở phía đơn vị tuyển dụng lao động nên chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động, để có lực lượng lao động vững kỹ năng nghề. Đối với ngời lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp.

Góp ý thêm, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB-XH TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay và TPHCM nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại cũng như tương lai. Vì vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTB-XH hiện đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước và TPHCM cũng sớm ban hành đề án sắp xếp các trường nghề trong thời gian tới.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn (TPHCM) cho rằng, việc nâng tầm kỹ năng lao động ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với mọi quốc gia. Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ rõ những quốc gia có năng suất lao động cao thường có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển, lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao và quốc gia nào càng nhiều lao động vững kỹ năng nghề, càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Từ đó có thể thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ lao động có kỹ năng nghề đạt chuẩn chính là nhiệm vụ tất yếu và cấp bách để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa. Với vai trò là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn tập trung vào việc bám sát, gắn kết và từng bước hiện thực hóa sứ mệnh với đích đến cụ thể là các sản phẩm đào tạo đáp ứng tốt và nhanh thị trường lao động và xã hội.

Hội thảo nhận được trên 50 bài tham luận đến từ những tác giả, nhóm tác giả đa ngành nghề, đa lĩnh vực đến từ nhiều môi trường công tác khác nhau trong cả nước. Các bài viết này được tổ chức phản biện kín và góp ý, hoàn thiện, lựa chọn đưa vào kỷ yếu với 29 bài xoay quanh 3 nhóm chủ đề chính của hội thảo, gồm: Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa; Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Nâng tầm kỹ năng cho người lao động không thể trễ hơn ảnh 2 Hàng trăm sinh viên được các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng ngay tại hội thảo
Dịp này, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn đã tổ chức ký kết hợp tác với 12 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Trường cũng nhận được gói hỗ trợ học bổng cho sinh viên trị giá 10 triệu đồng từ Công ty Cổ phẩn Giải pháp công nghệ Felix và gói Dịch vụ trải nghiệm từ Oui International - Oracle Clinic trị giá 17 triệu đồng, góp phần mang lại ý nghĩa kết nối thiết thực theo đúng mục tiêu hướng đến của hội thảo, đồng thời tiếp tục mở ra thêm nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm, hiểu nghề và rèn nghề thực tế cho sinh viên Trường.
Nâng tầm kỹ năng cho người lao động không thể trễ hơn ảnh 3 Ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường tri ân các doanh nghiệp
Nâng tầm kỹ năng cho người lao động không thể trễ hơn ảnh 4 Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn ký kết hợp tác cùng các doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục