Nắng nóng, người dân gặp khó

Trong vài tuần qua, tại khu vực các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Có thời điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40°C khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Trong khi đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nước do xâm nhập mặn. Người dân miền Trung khao khát một cơn mưa…

Thiếu nước

Giữa tháng 4, nắng nóng đã bao trùm miền Trung. Nhiều địa phương bắt đầu thiếu nước do các sông bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. Trong đó, Đà Nẵng - một đô thị lớn nhất miền Trung - nhiều ngày qua đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn sâu vào hệ thống sông khiến nhà máy nước thiếu nước thô để sản xuất. Nếu độ mặn tiếp tục tăng, việc sản xuất và cung cấp nước cho người dân sẽ gặp khó khăn và có khả năng gây thiếu hụt nước sạch.

Trong khi đó, tại huyện đảo Lý Sơn, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngọt trên đảo suy giảm khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Nắng nóng kéo dài, trong khi hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt bị hư hỏng nên người dân ở Đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều người đành phải cắn răng mua 220.000 đồng/m³ nước từ đất liền ra đảo dự trữ sử dụng.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết, không chỉ đảo Bé, đảo Lớn (huyện Lý Sơn) cũng đang thiếu nước trầm trọng. Đối với hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt ở xã An Bình, do hoạt động quá lâu nên xuống cấp. Việc sửa chữa sẽ kéo dài và tốn nhiều chi phí hơn. Hiện, địa phương mong muốn được hỗ trợ, đầu tư một hệ thống lọc nước đủ sức cung ứng nước ngọt cho toàn huyện Lý Sơn, không chỉ riêng đảo Bé.

Thiệt hại nặng vật nuôi, cây trồng

Nắng nóng vẫn tiếp diễn trên diện rộng, người dân và du khách đổ ra các bãi biển ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định ngày một đông để trốn nóng. Vào lúc cao điểm, tại các bãi biển như Phạm Văn Đồng, T18, T20 (Đà Nẵng), Tam Thanh (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… chật kín người tắm biển. Để đảm bảo an toàn, các địa phương tăng cường lực lượng cứu hộ, khoanh vùng các bãi tắm và cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm.

Nắng nóng không chỉ làm cuộc sống người dân miền Trung đảo lộn mà còn đẩy nguy cơ cháy rừng và thiếu nước cho mùa vụ lên đỉnh điểm. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài hàng ngàn hécta lúa đông xuân ở vùng gò đồi, vùng cuối nguồn ven các con sông đang bị hạn hán hoặc nhiễm nặm gay gắt thì gần 500ha đậu phộng tại thị xã Hương Trà đã bị khô héo do nắng nóng kéo dài.

Còn tại Trà Vinh, nắng nóng đã khiến tôm nuôi phát bệnh đốm trắng. Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, do nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao đã làm tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại hơn 372 triệu con tôm giống; trong đó, có hơn 265 triệu con tôm giống thẻ chân trắng trên diện tích 440ha và trên 107 triệu con tôm sú giống trên diện tích 158ha.

HÔM NAY 21-4, NẮNG NÓNG “ĐẶC BIỆT GAY GẮT”
Trong bản tin cảnh báo tình trạng nắng nóng diễn ra trong ngày 21-4, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra diện rộng với dòng chữ được nhấn mạnh: “đặc biệt gay gắt”.
Dự báo trong ngày 21-4, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở Bắc bộ và Trung bộ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc bộ, các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vẫn có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nền nhiệt độ phổ biến là 38-40oC, thậm chí 40-41oC. Một số nơi sẽ kết thúc đợt nắng nóng vào ngày 22-4, trời sẽ dịu hơn nhưng hầu như tại Trung bộ vẫn nắng nóng gay gắt, chưa có dấu hiệu kết thúc. Đến 24-4, ở các tỉnh Nam bộ vẫn có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC từ 12 - 16 giờ.
Các chuyên gia từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia tiếp tục đề nghị người dân chủ động các giải pháp chống nắng nóng, bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra ngoài, tiếp xúc, lao động lâu trong môi trường có nắng nóng vào giờ cao điểm (khoảng 11 - 16 giờ); các địa phương cảnh giác nguy cơ cháy rừng do nắng nóng kéo dài ngày.

Tin cùng chuyên mục