Năng lượng sạch cho đô thị thông minh

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi sử dụng từ năng lượng chất đốt, hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã được các thành phố lớn quan tâm, phát triển. 
Phát điện cung ứng năng lượng sạch cho TPHCM từ rác thải tại bãi rác Gò Cát. Ảnh: CAO THĂNG
Phát điện cung ứng năng lượng sạch cho TPHCM từ rác thải tại bãi rác Gò Cát. Ảnh: CAO THĂNG
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng với quy mô toàn cầu thì các giải pháp công nghệ về năng lượng sạch càng đóng vai trò quan trọng với các đô thị lớn như TPHCM.

Nhu cầu điện năng lớn

Theo Sở Công thương TPHCM, TPHCM là đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư và có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; do đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn, bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 22 tỷ kWh  điện, chiếm khoảng 15% so với cả nước, trong khi nguồn điện cung cấp cho cả nước luôn đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt. Mặc dù TPHCM đã có nhiều hỗ trợ, khuyến khích trong việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian qua, lĩnh vực này trên địa bàn thành phố phát triển còn chậm, chủ yếu là máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, còn nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời hòa vào mạng lưới điện chưa đáng kể, nguyên nhân do giá thành đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được nhà nước hỗ trợ. 

GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận đầu năm 2018, TPHCM đã triển khai các hạng mục quan trọng trong đề án Xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2025. Đây là đề án được triển khai trong xu hướng phát triển đô thị đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sử dụng năng lượng thông minh (Samrt Energy) cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đây là giải pháp công nghệ quan trọng giúp TPHCM giải quyết các thách thức về môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng. 

Tích hợp các giải pháp 

Theo ông Nguyễn Phương Duy, đại diện Sở Công thương TPHCM, để hạn chế tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chẳng hạn phát triển các nguồn điện từ năng lượng sinh khối, hiện đã có nhà máy phát điện từ công nghệ đốt rác là Nhà máy điện Gò Cát, đã phát điện với công suất khoảng 3MW và sắp đưa vào vận hành Nhà máy điện rác Đa Phước với công suất khoảng 12MW. TPHCM đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường.
Trong khi đó, đối với việc triển khai năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thành phố đang khuyến khích người dân sử dụng máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời với sự hỗ trợ người dân khi lắp đặt mỗi máy nước nóng năng lượng mặt trời được hỗ trợ 1 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 12.000 máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, với tổng công suất quy đổi khoảng 36MW. Đối với phát triển điện năng lượng mặt trời, hiện đã có 274 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 3,6MWp. Ngoài ra, thành phố cũng đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc tiết kiệm năng lượng. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố, theo thống kê giai đoạn 2011-2017, tổng điện năng tiết kiệm toàn thành phố đạt hơn 3.100 triệu kWh, qua đó góp phần giảm được trên 2,039 triệu tấn khí CO2, lượng phát thải gây hiệu ứng  nhà kính. 

Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết để đạt được các mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề này cần được lồng ghép một cách phù hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác nhau của thành phố để huy động được sự tham gia của các ngành, lĩnh vực, các thành phần xã hội. Theo đó, TPHCM cần tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải; ứng dụng công nghệ mới xử lý chất thải theo hướng kết hợp thu hồi, tái sinh năng lượng và nguyên liệu; khuyến khích ngành công nghiệp sản xuất sạch hơn; tăng cường ứng dụng vật liệu không nung và vật liệu thân thiện với môi trường trong lĩnh vực xây dựng; phát triển giao thông xanh, giao thông đường thủy. Đặc biệt, cần lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị; trong đó chú ý đến hệ thống pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện phát triển cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty Tư vấn công trình xanh GreenViet, cũng cho rằng hiện nay TPHCM không có các điều kiện tự nhiên để xây dựng các nhà máy điện công suất lớn. Vì vậy, TPHCM cần phải làm thế nào để tiết kiệm năng lượng và phát triển về năng lượng mặt trời, phủ xanh thành phố và mỗi nhà là một nhà máy điện mini sử dụng pin mặt trời sẽ là hướng đi để TPHCM phát triển năng lượng tái tạo. 

Tin cùng chuyên mục