Nặng lòng với lính đảo Trường Sa

Vào cuối năm 2021, kho ứng dụng của Apple, Android xuất hiện một ứng dụng mới mang tên i-HR. Biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng như đang tung bay trên “không gian số” ấy, chính là ứng dụng tìm kiếm việc làm đầu tiên có mặt tại Việt Nam. “Cha đẻ” của ứng dụng i-HR là Trần Vũ Thành, người đã tự buộc cho mình “duyên nợ” với lính đảo.
Anh Trần Vũ Thành mang ứng dụng i-HR giới thiệu ở đảo Đá Nam
Anh Trần Vũ Thành mang ứng dụng i-HR giới thiệu ở đảo Đá Nam

Từ tâm tư lính đảo

Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương kể, sau chuyến đi đầu tiên trong đoàn công tác của Trung ương Đoàn đến với Trường Sa năm 2014, với tư cách một doanh nhân, năm nào anh cũng lênh đênh ra đảo ít nhất một lần, khi thì mang giống cây trồng, khi thì mang máy lọc nước, khi thì mang công nghệ ra đảo. Các chuyến đi thường là dịp giữa năm, trên các chuyến tàu thay, thu quân. Chính trong những chuyến tàu đó, Thành được gặp và nghe nhiều tâm tư của những người lính trẻ.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, những người lính đảo được Nhà nước, quân đội khuyến khích học nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nhưng không phải ai cũng thuận lợi. Nhiều người trong số họ vẫn trĩu nặng âu lo về tương lai, không biết rồi sẽ học gì, làm ở đâu. Ban đầu, bằng những quan hệ riêng của mình, Thành không nề hà tìm việc giúp những chàng lính trẻ. Có người, anh xin việc cho đến 2-3 lần. Có người, anh phải tư vấn cho vừa học vừa làm để có bằng cấp, nghề nghiệp rồi mới xin việc. Nhưng rồi Thành hiểu, chỉ giúp vài trường hợp như vậy thì không hiệu quả. 

Câu hỏi làm thế nào để những người lính trẻ có thể tìm việc dễ dàng hơn, cứ trở đi trở lại trong đầu anh. Rồi một tia sáng bất chợt lóe lên, phải ứng dụng công nghệ số. Nghĩ là làm, Thành được một nhóm anh em giỏi công nghệ giúp sức để cùng thực hiện ý tưởng. Đến cuối năm 2021, ứng dụng i-HR đã ra mắt, bên cạnh đối tượng quân nhân xuất ngũ là ưu tiên hàng đầu, ứng dụng đã mở rộng đối tượng đến thanh niên có nhu cầu tìm kiếm việc làm. 

Xuất hiện đúng vào lúc chuyển đổi số đang là câu chuyện “hot”, ứng dụng đã nhận được sự ủng hộ của Trung ương Đoàn, như là một giải pháp có tính đột phá về hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Nhưng mọi việc không hề dễ dàng, ứng dụng phải mất thêm gần một năm để thỏa mãn các tiêu chuẩn của Apple, Android rồi mới được đẩy lên kho ứng dụng. Tiếp theo đó, i-HR còn phải vượt qua một cửa ải khó khăn, đó là đáp ứng những tiêu chuẩn bảo mật riêng của quân đội về thông tin quân nhân xuất ngũ. Mới đây, Thành mừng rỡ khoe, i-HR đã vượt qua hết các thử thách để có thể triển khai trong phạm vi toàn quân. Với khả năng số hóa năng lực lao động, ứng dụng sẽ tự động cộng thêm 5 điểm kỷ luật, 5 điểm sức khỏe cho quân nhân xuất ngũ để có mức thu nhập cao hơn các hồ sơ khác từ một đến vài triệu đồng/tháng. Con số tưởng chừng nhỏ nhoi đó là cả tấm lòng của Thành muốn chia sẻ khó khăn ban đầu với những người lính vừa rời quân ngũ. 

Anh nói, điều thuận lợi là nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đang rất cần lực lượng lao động chuẩn, có sức khỏe, được rèn luyện và có kỷ luật như trong quân đội. Hiện, ứng dụng đã hỗ trợ tìm việc làm cho 500 quân nhân xuất ngũ và đang chờ triển khai rộng rãi trong lực lượng quân đội và công an vào cuối năm 2022.
Chị Phạm Thị Vân Anh (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), người từng tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí tiền bạc cho các trung tâm môi giới việc làm, đã thốt lên: “Chưa bao giờ chuyện xin việc lại dễ dàng hơn thế, chỉ cần ngồi ở nhà và kết nối”. Nhờ ứng dụng i-HR, chị đã tìm được việc làm tại Công ty TNHH Brother Việt Nam, với mức thu nhập ổn định, lại không phải đi làm xa nhà. Còn anh Phạm Tuấn (thị trấn Sao Đỏ, tỉnh Hải Dương) thất nghiệp suốt 2 năm vì dịch Covid-19, cũng không tin nổi mình đã tìm được việc làm chỉ sau vài thao tác trên điện thoại, giống như một giấc mơ vậy. 

4 mùa hướng đến Trường Sa

Trong mắt các thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Thành là người nặng lòng với biển đảo. Anh bảo, những ai đã từng đến Trường Sa một lần thôi, sẽ không bao giờ quên được cảm xúc nghẹn ngào khi cảm nhận biển đảo là một phần máu thịt của quê hương. 

Vào tháng 4, cuối xuân, Thành và anh em làm chương trình “Môi trường xanh cho biển đảo”, đưa các công nghệ vi sinh vào xử lý rác thải hữu cơ trên đảo thành mùn đất trồng cây, thay thế cho đất phải chở từ đất liền ra. Vào tháng 7, CLB lại có chương trình “Trường Sa xanh” với hàng trăm ngàn cây giống các loại được chuyển ra đảo mỗi năm, đã dần phủ xanh các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Anh tự hào kể, các đảo bây giờ đẹp lắm. Cả 10 đảo nổi đều rực rỡ hoa giấy. Trước kia, khi có đoàn cán bộ, văn công, lính đảo Trường Sa phải hái lá dừa tạo hình con giống để tặng, giờ đã có hoa thật, vốn là một thứ rất “xa xỉ” ở đảo. Đặc biệt, mùa hè năm nay ở đảo Sơn Ca, những cây dừa xiêm lùn siêu trái mà chương trình mang ra trồng từ năm 2019 đã ra trái mùa đầu, hứa hẹn sắp có những mùa trái ngọt ở khắp các điểm đảo. 

Cách đây ít ngày, chúng tôi gặp Thành khi anh vừa làm xong chương trình của mùa thu “Bố ở Trường Sa - con ở nhà có bạn” với hơn 3.000 phần quà được gửi đến tay những em nhỏ có bố đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Đó cũng là một kỷ niệm đặc biệt của Thành, khi anh tình cờ gặp đồng chí Nguyễn Viết Tưởng, sĩ quan ở đảo Đá Lớn. Trong câu chuyện chan chứa nỗi niềm thương nhớ với đất liền, anh Tưởng kể, thương con không được bố đưa đi mua quà trung thu như chúng bạn, anh đã nhờ anh em mua vật tư từ đất liền gồm nan tre, giấy màu, vải, rồi anh cặm cụi làm 1 cái đèn lồng rất đẹp, có hình cờ Tổ quốc gửi về cho con. Câu chuyện chiếc đèn gửi về từ Trường Sa đã “neo” trong tâm trí của Thành... 

Những ngày này, Trần Vũ Thành và các thành viên CLB lại đang chuẩn bị bắt tay vào chương trình cuối năm “Xuân biên giới, tết hải đảo”. Điểm nhấn của chương trình là triển lãm ảnh, mang Trường Sa đến các địa phương vùng biên giới, gom quà tặng từ các vùng miền gửi về đảo xa. Tác phẩm trưng bày là những bức ảnh đẹp, chân thực về Trường Sa, được chính các nhà báo, nhiếp ảnh gia của CLB chụp. Với lợi thế về công nghệ số, mỗi tác phẩm trưng bày đều được gắn QR Code. Trong triển lãm, Thành tâm đắc nhất là bộ cờ Tổ quốc thiêng liêng từng hiện diện ở 33 điểm đảo Trường Sa. Đó cũng là lý do mà Thành chọn hình ảnh lá cờ đại diện cho ứng dụng i-HR, đứa con tinh thần tâm huyết của mình.

i-HR là nền tảng công nghệ được vận hành trên hệ điều hành iOS và Android, giúp kết nối trực tiếp 3 nhóm đối tượng là người lao động - cơ sở giáo dục - doanh nghiệp; i-HR sử dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), phân tích, kết nối thông tin bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Còn với những người lao động có trong tay chiếc smartphone, i-HR đơn giản giống như ứng dụng gọi xe công nghệ. Nhưng điều đặc biệt là, i-HR miễn phí hoàn toàn cho người lao động, còn mức phí cho nhà tuyển dụng chỉ bằng 1/10 chi phí thông thường. Hiện, i-HR đang được triển khai ở 12 tỉnh, thành đoàn, trong đó có Cần Thơ, Bến Tre, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Nội... Và, mạnh nhất là tỉnh Hải Dương với hơn 5.000 lao động đã mở app tạo hồ sơ tìm việc và hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. 

Tin cùng chuyên mục