Nâng chất múa dân gian

Hàng năm, nước ta có khoảng gần 8.000 lễ hội, chưa kể còn có nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật khác.

 Trong rất nhiều chương trình, múa dân gian được dàn dựng và biểu diễn nhưng thường ít được chú ý về tính chính xác của các điệu múa, phục trang dân tộc, dẫn đến sai về động tác, điệu múa, âm nhạc bị cách tân, phiên âm sai…; có trường hợp giới thiệu là điệu múa Tây Nguyên những khi biểu diễn lại là điệu múa của người Khmer; phục trang thì hầu hết cứ có vẻ “dân tộc” là được, dẫn đến sai sót kiểu biểu diễn nhân ngày hội Ê Đê nhưng trang phục lại là của người Ba Na. Vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi đa số vũ đoàn đều có dàn dựng các tiết mục múa dân gian dân tộc độc lập (tác phẩm múa) và múa minh họa cho các tiết mục ca nhạc.

Tại một cuộc hội thảo về múa dân gian vừa được tổ chức tại TPHCM, nhiều nguyên nhân được nêu ra, trong đó, nguyên nhân chính là do lỗ hổng trong khâu đào tạo từ biên đạo, huấn luyện múa đến nghệ sĩ… ở các trường đào tạo nghề chuyên nghiệp. Để có được các sản phẩm múa dân gian, dân tộc vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa có những sáng tạo mới, rất cần sự thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo. 

Th.S-NSƯT Đoàn Phúc Linh Tâm (Trường Trung cấp Múa TPHCM) đề xuất: “Đối với công tác đào tạo diễn viên, biên đạo, huấn luyện múa dân gian chuyên nghiệp, nên mời các chuyên gia và nghệ sĩ có chuyên môn cao hợp tác truyền kiến thức kinh nghiệm nghề, nâng cao chất lượng giáo viên, có những chính sách đãi ngộ phù hợp…”. Đại tá - TS Đặng Chí Thông (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) bổ sung: “Cũng cần đào tạo cán bộ quản lý văn hóa vững về chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức diễn xướng múa dân gian truyền thống trong lễ hội kết hợp với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác sưu tầm và nghiên cứu nghệ thuật múa dân gian…”. 

Sự thay đổi mới mẻ trong công tác đào tạo chuyên ngành sẽ giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn, thu hút nhiều tài năng trẻ lĩnh vực múa dân gian dân tộc theo học tập, rèn luyện. Và từ đó, việc dạy đúng chuẩn sẽ giúp nghệ thuật múa dân gian thực sự phát huy giá trị trong đời sống nghệ thuật thay vì chỉ đóng vai trò “diễn viên phụ” trong nhiều chương trình nghệ thuật như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục