Nâng chất lượng cuộc sống của công nhân

TPHCM có khoảng 1,5 triệu công nhân. Với mức sinh chỉ còn trên 1,3 con/phụ nữ và xu thế đô thị hóa, TPHCM tiếp tục phải hút thêm công nhân ở các nơi tới làm việc. 

Tình trạng công nhân phải ở trong phòng trọ chật chội, thu nhập không cao dù đã tăng ca, thiếu sinh hoạt giải trí… đã cung cấp hình ảnh về thực trạng chất lượng cuộc sống của nhiều công nhân ở TPHCM khá thấp. Bức tranh về công nhân TPHCM hiện nay cần được nhận diện một cách đầy đủ và có giải pháp toàn diện nâng chất lượng cuộc sống đối với đội ngũ này. 

Chân dung công nhân TPHCM

TPHCM là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và hiện nay có khoảng 1,5 triệu công nhân. Sự khác biệt về thu nhập giữa công nhân các ngành có xu hướng tăng nhanh. Tiền lương giữa bộ phận quản lý và trực tiếp sản xuất có sự chênh lệch lớn. Như vậy, chỉ tính riêng yếu tố (hay tiêu chí) thu nhập cũng phản ánh tính đa dạng của đội ngũ công nhân thời hiện đại. 

Xét về cư trú, công nhân nhập cư là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ công nhân TPHCM, là nguồn bổ sung cho lực lượng công nhân TPHCM liên tục hàng năm, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ. Chỗ ở chật chội, thu nhập không cao mặc dù đã tăng ca, nhiều khoản phải chi dùng, thiếu các sinh hoạt giải trí... đã cung cấp hình ảnh về thực trạng chất lượng cuộc sống của công nhân - cả vật chất lẫn tinh thần - khá thấp. Cuộc sống của họ có gì khác biệt với công nhân tại chỗ (thường trú)?

Bên cạnh đó, có những công nhân sống với gia đình trong các khu dân cư, đi làm ở các doanh nghiệp rải rác trên khắp địa bàn TPHCM, ít được nghiên cứu. Họ có thể chia sẻ và được chia sẻ các nguồn lực với gia đình. Điều đó dẫn đến chất lượng cuộc sống của họ khác hơn nhiều công nhân “ở trọ”. Và không biết trong số họ, có bao nhiêu hộ nghèo?

Nâng chất lượng cuộc sống của công nhân ảnh 1 Cuộc sống công nhân tại phòng trọ quận Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Tổng quan tình hình nghiên cứu, trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thể nhận thấy rằng chủ đề về giai cấp công nhân TPHCM còn ít được nghiên cứu một cách toàn diện trên quy mô rộng lớn, cấp thành phố. Họ không phải là một tổng thể thuần nhất mà có thể là nhiều nhóm có đặc thù khác nhau, nhu cầu khác nhau, quyền lợi khác nhau. Có rất nhiều vấn đề cần giải đáp, cần thống kê theo dõi và cần nghiên cứu nghiêm túc để thiết kế, xây dựng chính sách phù hợp nhằm nâng chất lượng cuộc sống công nhân.

Đo lường để nâng chất cuộc sống công nhân

Chất lượng cuộc sống là một phạm trù khá rộng, tùy thuộc vào mức thu nhập, vào các điều kiện kinh tế và tài chính (yếu tố khách quan). Nhưng chất lượng cuộc sống cũng tùy thuộc vào sức khỏe, vào môi trường xã hội, vào kiến thức của từng người, vào các hoạt động văn hóa, vào thời gian để giải trí (yếu tố chủ quan).

Một khái niệm chung về “chất lượng cuộc sống” của người dân đã được hiểu rất khác nhau, huống hồ là chất lượng cuộc sống của công nhân. Vì thế, một vài chính sách hỗ trợ công nhân là không đủ và không thể nâng cao chất lượng toàn diện cuộc sống của họ. 

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giới thiệu cách tiếp cận, gợi ý phương pháp tính toán đo lường chất lượng cuộc sống công nhân, để TPHCM xem xét, thiết kế giải pháp toàn diện nâng chất lượng cuộc sống của đội ngũ này. Cụ thể, bảng đề xuất tiêu chí chất lượng cuộc sống của công nhân TPHCM gồm 8 lĩnh vực với 28 chỉ số đo lường (xem bảng).

Ngoài ra, cần thêm 4 tiêu chí phi vật chất: 1- có quan hệ tốt với đồng nghiệp, chủ doanh nghiệp và quản lý; 2- cảm thấy hài lòng với công việc; 3- chia sẻ được với bạn cùng phòng, người cùng nhà lưu trú, môi trường xung quanh; 4- giữ được quan hệ tốt với gia đình.

Việc xây dựng bộ tiêu chí cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, trao đổi nghiêm túc, tránh những áp đặt chủ quan, làm lệch đi bản chất của chất lượng cuộc sống. Từ đó, bố trí nguồn lực hợp lý - có ý nghĩa sống còn, để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân một cách bền vững.

Nâng chất lượng cuộc sống của công nhân ảnh 2

Tin cùng chuyên mục