Nâng chất hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM

Ban tổ chức hội thi đã trao thưởng cho 20 giải pháp, bao gồm 1 giải nhất, 6 giải ba và 13 giải khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Các giải pháp đoạt giải lần này được đánh giá có ý nghĩa khoa học, đáp ứng tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hội và có khả năng triển khai ứng dụng vào sản xuất, thương mại. Nhưng qua cuộc thi lần này, ban tổ chức cũng chỉ ra nhiều hạn chế. 
Ban tổ chức hội thi trao thưởng cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: K.ANH
Ban tổ chức hội thi trao thưởng cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: K.ANH
Thể hiện được khả năng ứng dụng 
Theo Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, hội thi lần thứ 24 (2015-2016) đã tiếp nhận được 88 đề tài/giải pháp dự thi, tập trung vào 6 chuyên ngành: y tế; công nghệ sinh học và nông nghiệp; công nghệ môi trường, công nghệ hóa học; cơ khí - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; giáo dục, hướng nghiệp. 
Trong hội thi lần này, lĩnh vực y tế đạt kết quả vượt trội. Có đến 6/25 giải pháp tham dự đoạt giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Trong đó, giải nhất “Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện (BV) và liên viện” của PGS-TS Tăng Chí Thượng đã xây dựng một quy trình cấp cứu được kết nối nhiều BV, huy động nhiều nguồn lực trong thời gian nhanh nhất để cấp cứu hiệu quả các bệnh nhân nguy kịch. Giải pháp “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng cây sậy tại BV Nhân Ái” đoạt giải ba của tác giả TS-BS Lê Trường Giang (và cộng sự) cho thấy đây là giải pháp với giá thành thấp, quy trình đơn giản, có thể triển khai ở nhiều BV. 
Cơ khí - tự động hóa là một trong những lĩnh vực có bề dày và là thế mạnh của TPHCM, lần này có 12 giải pháp dự thi, song chỉ 3 giải pháp đoạt giải (2 giải ba và 1 giải khuyến khích). Nhưng không phải vì không đoạt giải cao mà các giải pháp lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mất đi tính ứng dụng thực tiễn. Như giải pháp “Máy hàn và khoan mở nhánh trực tiếp trên đường ống nhựa HDPE không phải cúp nước” của tác giả Nguyễn Xuân Hoài, Ngô Duy Thắng và cộng sự, thật sự có ý nghĩa khi ứng dụng vào thực tế và rất cần thiết để phục vụ cho dịch vụ cấp nước hiện nay. Việc mở ống cấp nước nhanh mà không phải cắt nước tạm trên đường ống giúp hạn chế đào đất và tốn công lao động… Giải pháp này đã được ứng dụng thi công nhiều công trình trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Hay giải pháp “Thiết kế và chế tạo máy vận chuyển nhôm” của tác giả Phạm Văn Toản (và cộng sự) đã đưa ra giải pháp vận chuyển các tấm nhôm có diện tích lớn và nặng vào đúng vị trí, cắt tự động theo đúng kích cỡ, hình dạng đã được định sẵn. Giải pháp này giúp giảm được công sức lao động, giảm chi phí trong kinh doanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. 
Lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp có 4/14 giải pháp dự thi đoạt giải (1 giải ba và 3 giải khuyến khích). Lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin có 14 giải pháp dự thi, đoạt 2 giải khuyến khích… cũng đều là những giải pháp có tính ứng dụng cao, đáng được phát triển. Theo ban tổ chức, tiêu chí xét giải ngày càng nâng chuẩn đánh giá về chất lượng nội dung lẫn hình thức trình bày.
Giảm về lượng
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM đã được duy trì suốt 27 năm qua (1990-2017), đã góp phần tôn vinh xứng đáng và kịp thời những nỗ lực thầm lặng trong lao động sáng tạo của nhiều tập thể tác giả, tổ chức, cá nhân. Nhưng qua cuộc thi lần này, ban tổ chức cũng chỉ ra nhiều hạn chế.   
Lĩnh vực cơ khí - tự động hóa vốn là thế mạnh của TPHCM, nhưng chỉ có 12 giải pháp dự thi, là con số quá nhỏ. Nguyên nhân do tiêu chí để đánh giá với thang điểm khá cao, trong khi đó, không ít giải pháp này chỉ nghiên cứu ở dạng mô hình trong lĩnh vực tự động hóa. Bên cạnh đó, thể lệ hội thi chưa hấp dẫn nên các nhà nghiên cứu về y học, dược học chuyên ngành y tế chưa quan tâm. Công trình nghiên cứu về y học, dược học thu hút nhiều dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa, chuyên ngành, nhà khoa học nghiên cứu về y học, hàng năm có nhiều đề tài đăng ký tại các bệnh viện và Sở Y tế. Hội thi cần có kênh tuyên truyền, tiếp cận đến tác giả các đề tài này để gặt hái được hiệu quả hơn số giải pháp và tác giả tham gia dự thi. 
Còn ở lĩnh vực công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, 9 giải pháp dự thi còn nhiều hạn chế, vì trong tiêu chí xét giải, giải pháp phải được ứng dụng và mang lại hiệu quả. Số lượng giải pháp dự thi ít có nguyên nhân do giá trị giải thưởng không cao, quyền lợi của tác giả không có sau khi đoạt giải, khả năng ứng dụng rộng rãi cần có có thời gian minh chứng…
Ban tổ chức nhận định: Con số 20 giải pháp đoạt giải trong hội thi lần thứ 24 là con số không nhiều so với những lần trước đây. Kết quả này cho thấy, hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM cần được quan tâm về giá trị giải thưởng và có biện pháp hỗ trợ những đề tài/giải pháp đoạt giải trong việc chuyển giao công nghệ và sản phẩm mới, hoặc đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục