Nâng chất hoạt động nghiệp đoàn

TPHCM hiện có hơn 120 nghiệp đoàn (NĐ) các ngành nghề: xe ôm, hớt tóc, làm móng, giúp việc nhà, giữ trẻ, rác dân lập, xe du lịch công nghệ… với hơn 5.560 đoàn viên. 

NĐ hình thành nhằm tập hợp người lao động khu vực phi chính thức để bảo vệ, chăm lo và định hướng hoạt động, nâng cao tay nghề cho đoàn viên, liên kết nâng tầm ngành nghề. Tuy nhiên, đến nay hoạt động các NĐ chỉ dừng ở bước tập hợp, chăm lo người lao động.

Tham gia nghiệp đoàn, các bác tài xe ôm trên địa bàn quận 1  nhận được sự chăm lo, hỗ trợ thiết thực.  Ảnh: Thái Phương

Mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên

Vừa trả khách xuống chợ Tân Định, nhận tiền công xong, thấy vị khách quên túi đồ, ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch NĐ Xe ôm phường Tân Định (quận 1) vội vã gọi với theo. Nhận lại đồ từ tay người xe ôm tử tế, cô gái trẻ cảm ơn rối rít. Đưa tay phủi lớp bụi đường bám lên vai chiếc áo xanh đã ngả màu có logo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 1, ông Dũng tự hào: “Rất nhiều người đã đặt niềm tin với chúng tôi qua màu áo này”.

Ông Dũng kể, hơn 20 năm trước, hoạt động của các tài xế xe ôm khu vực chợ Tân Định rất đông. Mạnh ai nấy mời chào, chèo kéo khách, đôi khi hét giá trên trời, chở khách tới nơi có khi còn đòi thêm tiền... Năm 2007, LĐLĐ quận 1 thành lập NĐ Xe ôm phường Tân Định, hơn 400 tài xế tham gia. Họ được tổ chức, hoạt động theo nhóm và được tuyên truyền về cách ứng xử, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Từ đó, các đoàn viên dần có ý thức giữ gìn hình ảnh người chạy xe ôm.

Ý thức giữ gìn hình ảnh tổ chức mình tham gia cũng được bà Nguyễn Thị Mai (ngụ quận Tân Phú) tự nhắc mình mỗi ngày. Ngày trước bà Mai rất ngại khi nói với mọi người mình đi làm giúp việc. Nhưng từ khi tham gia NĐ Giúp việc nhà tại phường Tân Thành (quận Tân Phú), bà Mai không còn tự ti về nghề đang làm mà ý thức được phải cố gắng làm việc tốt hơn. “Nếu được hướng dẫn thêm về các kỹ năng nghề nghiệp thì tôi cũng như các chị trong NĐ sẽ càng tự tin hơn”, bà Mai kiến nghị. 

Mới thành lập hồi tháng 7-2020 nhưng NĐ Kinh doanh thức ăn đường phố quận Thủ Đức hoạt động khá sôi nổi. Hiện NĐ có hơn 40 thành viên. Từ khi tham gia NĐ, các hộ kinh doanh này cũng dần nâng cao ý thức trong kinh doanh, không lấn chiếm lòng lề đường, giữ gìn vệ sinh chung và nhất là chú trọng đến an toàn thực phẩm. Đặc biệt, đoàn viên còn được UBND phường hỗ trợ điểm buôn bán hợp lý, tổ chức các lớp tập huấn an toàn thực phẩm và phổ biến pháp luật. Theo LĐLĐ quận Thủ Đức, khi tham gia NĐ, các đoàn viên cũng đoàn kết hơn, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong kinh doanh buôn bán thay vì tranh giành khách như trước.

Ông TRẦN VĂN THUẬT, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Bảo vệ quyền lợi đoàn viên
Nâng chất hoạt động nghiệp đoàn ảnh 2
Cả nước hiện có 575 NĐ cơ sở với hơn 40.000 đoàn viên. Tuy nhiên, so với lượng lao động khu vực lao động phi chính thức rất đông thì con số trên còn khiêm tốn. Phải thừa nhận rằng, việc tập hợp người lao động khu vực lao động phi chính thức vào tổ chức NĐ tương đối khó khăn.
Hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang nghiên cứu, đánh giá về lao động trong khu vực phi chính thức. Trong đó nghiên cứu đổi mới, mở rộng hình thức tập hợp lao động khu vực này tham gia vào các NĐ. Đặc biệt phải tìm hiểu sâu các quy định bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia NĐ, có như vậy mới thu hút được đoàn viên. Về nội dung này, nhiều nước trong khu vực đã làm và hoạt động tương đối ổn định, Đảng Đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã giao cho các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kinh nghiệm từ nước bạn để chắt lọc, vận dụng và phát triển trong nước.

Gặp khó về kinh phí, nhân lực

Bên cạnh một số mặt được trong việc bảo vệ, chăm lo lợi ích đoàn viên thì hoạt động NĐ vẫn đang loay hoay tự tìm sân chơi cho mình. Bà Lê Thị Chiến, Chủ tịch NĐ Tóc - Nail phường Thảo Điền, quận 2 nhìn nhận, hiện nay hoạt động NĐ tương đối “èo uột”, chưa có những chương trình rõ nét. Do đó, về lâu dài cần phải nâng cao hiệu quả của NĐ. Đó là việc tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ giúp các đoàn viên phát triển tay nghề, chia sẻ những kỹ thuật mới hay liên kết với nhau để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ làm đẹp cho khách hàng.
Hiện nay, quận 2 có 7 NĐ đang hoạt động, phía LĐLĐ quận cũng chỉ hỗ trợ một số hoạt động như tuyên truyền pháp luật, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn. Quận này có nhiều người nước ngoài sinh sống, nên các đoàn viên cho rằng cần được đào tạo về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp cũng như một số kỹ năng mềm cần thiết. Tương tự, theo ông Võ Anh Dũng, tất cả việc ông làm như thăm hỏi, chăm lo cho anh em, vận động, tuyên truyền để các thành viên phát triển về nhận thức, tham gia phòng chống tội phạm, ít nhất là tri hô để người đi đường cùng hỗ trợ… đều do ông tự mày mò học hỏi.

Về sự hỗ trợ của địa phương, bà Dương Bích Thùy, Chủ tịch Công đoàn phường Tân Thành, cho biết cán bộ phụ trách NĐ phường chỉ dừng ở việc tập hợp người lao động khu vực phi chính thức có cùng ngành nghề vào NĐ để tạo sân chơi, giao lưu và chăm lo. Chẳng hạn, NĐ Giúp việc nhà ở phường dù được thành lập hơn 1 năm nay nhưng hoạt động mới chỉ dừng ở giới thiệu công việc cho các thành viên. “Chúng tôi cũng nghĩ đến việc kết hợp các trung tâm để thành viên các NĐ tham gia học tập nâng cao tay nghề. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là thiếu nhân lực và chi phí hoạt động”, bà Thùy cho biết.

Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, NĐ vừa là sân chơi, vừa là nơi bảo vệ, chăm lo cho lao động yếu thế; đồng thời phải hướng người lao động thấy mục tiêu vào NĐ là để tạo sự cộng hưởng giữa tổ chức với các thành viên. Từ đó giúp người lao động phát triển kỹ năng nghề nghiệp và tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Song, thực tế hoạt động của các NĐ trên địa bàn thành phố vẫn đang rất manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, việc thành lập NĐ hiện chưa có những tiêu chí cụ thể trong kết nạp đoàn viên cũng như định hướng hoạt động lâu dài.

Tin cùng chuyên mục