Nâng chất hàng Việt, tạo sức mạnh ứng phó hàng ngoại nhập

Trước làn sóng hàng ngoại nhập ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp (DN) hàng tiêu dùng Việt Nam phải cấp bách nâng chất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu và uy tín thì mới có thể trụ vững trên sân nhà.
Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tạo được uy tín trong lòng người Việt
Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tạo được uy tín trong lòng người Việt

Hàng ngoại đổ bộ

Cùng với việc thực hiện cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã kéo giảm thuế nhập khẩu hàng hóa về mức 0%. Đây cũng là nguyên nhân gần đây, chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh các sản phẩm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU “đổ bộ” Việt Nam ngày càng nhiều.

Đơn cử như tại TPHCM, các thương hiệu Kohnan, Mumuso, Tokyo Life, Komonoya… liên tục mở thêm chuỗi cửa hàng mới. Đánh vào tâm lý hàng ngoại nhập, mẫu mã đa dạng, giá cạnh tranh do được giảm thuế, những sản phẩm này đã thu hút được không ít người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.

Thống kê mới đây từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ hàng tiêu dùng lớn của xứ sở hoa anh đào, trong đó nhóm hàng nông thủy sản và thực phẩm được người Việt mua sắm nhiều nhất.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cho biết, thời điểm dịch Covid-19, người Việt phải hạn chế ra ngoài nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản vẫn được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn... Thống kê của JETRO cho thấy, dù giá cả bán ra có giảm so với năm trước nhưng doanh thu bán hàng vẫn tăng 5%.

Ngoài hàng tiêu dùng Nhật Bản, gần đây đã có số lượng lớn thịt heo ngoại được nhập về Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 141.140 tấn thịt heo, tăng 382% so với năm 2019. Ngoài ra, từ khi Việt Nam cấp phép nhập khẩu heo sống để giết mổ lấy thịt tháng 6-2020, sản lượng nhập khẩu đến cuối năm 2020 cũng lên tới hơn 450.000 con. Đặc biệt, Hiệp hội Thịt đỏ của Mỹ (U.S Meat) cũng xác nhận năm 2020 sản lượng thịt heo Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng 5 lần nhờ chính sách giảm thuế trong 6 tháng cuối năm, từ 15%-20% về mức 7%-12% tùy chủng loại.

Đáng chú ý, năm 2021, lượng thịt heo nhập khẩu càng tăng mạnh hơn. Tháng 1 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 10.250 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh, đông lạnh, tăng 322,4% so với cùng kỳ. Chính làn sóng hàng ngoại nhập gia tăng đã và đang tạo áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho các DN nội địa, buộc họ phải có những chính sách kinh doanh mới, phù hợp hơn với thị trường. Điển hình với thịt heo, từ ngày 1-4, nhiều DN sản xuất, phân phối thịt heo ở khu vực TPHCM đã điều chỉnh giá thịt heo giảm từ 4.000-16.000 đồng/kg tùy loại. Hiện giá heo sống sau khi được điều chỉnh đã dao động trong khoảng 71.000-77.000 đồng/kg.

Cấp bách xây dựng thương hiệu

Trong bối cảnh hàng ngoại nhập gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng DN sản xuất hàng nội địa phải cấp bách nâng sức cạnh tranh qua việc nâng chất sản phẩm, giảm giá thành, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia để tạo niềm tin, thu hút người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ, trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam chống chọi với dịch Covod-19 thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia rất quan trọng, mang tính sống còn với DN. Điều này xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất, hiện sức mua và sức cầu của thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương hiệu. Theo đó, người tiêu dùng sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn. Thứ hai, trong giai đoạn rất nhiều ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ không lựa chọn theo nhu cầu mà có thể chọn theo thương hiệu - và thương hiệu quốc gia sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Thực tế, nhiều năm qua các DN đã xây dựng được thương hiệu quốc gia như Vinamilk, TH True Milk, Tân Hiệp Phát, Tân Quang Minh…, đã có những sản phẩm in sâu trong lòng người tiêu dùng Việt và được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều. Chẳng hạn Vinamilk nhiều năm liên tiếp đã là công ty dẫn đầu thị trường ở ngành hàng sữa nước. Vinamilk hiện đang có gần 250 sản phẩm các loại, riêng ngành hàng sữa nước đã sở hữu gần 50 loại sản phẩm, đáp ứng gần như mọi nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng đang ngày càng đa dạng hơn.

Hay với Biti’s. Theo ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc marketing Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), cách đây 5 năm, khách hàng trẻ rất thích hàng ngoại, thậm chí dùng hàng fake (giả, nhái) chứ không mua giày thương hiệu Việt. Còn hiện tại, mọi chuyện đã khác bởi Biti’s đã tạo ra sản phẩm phù hợp để kéo khách hàng về phía mình. Còn với Vissan, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đã giúp loạt sản phẩm của DN này như đồ hộp, lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội, sản phẩm chế biến đông lạnh, chế biến khô trở thành lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng Việt.

Ông Trần Việt Anh khẳng định, hiện nay, đạt thương hiệu quốc gia không chỉ là mục tiêu hướng đến mà còn là yêu cầu cấp thiết với DN. Bởi, từ thương hiệu quốc gia sẽ góp phần giúp DN định vị ở thị trường nội địa và vươn ra quốc tế.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, tham gia vào Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và DN đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị DN. Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình. Từ chỗ chỉ có 30 DN năm 2008, đến năm 2020, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có 124 DN với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó nhiều thương hiệu đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Tin cùng chuyên mục