Nâng chất hàng hóa chinh phục thị trường nội

Ngoài việc nâng cao chất lượng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chú trọng đầu tư mạnh cho hình thức bao bì, mẫu mã. Mục đích này giúp DN tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng Việt, ứng phó kịp thời với sự xâm nhập ồ ạt của hàng ngoại vào thị trường nội. 

Quyết định thành công cho sản phẩm

Một điều không thể phủ định là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu trên thị trường dù có chất lượng kém hơn hàng Việt nhưng ăn đứt về kiểu dáng, mẫu mã. Đó chính là điều kiện giúp không ít mặt hàng nhập khẩu chiếm lĩnh, thôn tính thị trường.

Tình trạng này đang diễn ra ở ngành sản phẩm hàng may mặc, đồ chơi trẻ em, đồ gỗ… Trong đó, rõ nhất có thể thấy ở ngành may thời trang, đã có rất nhiều thương hiệu ngoại đổ bộ và chiếm được thị phần nhất định nhờ kiểu dáng liên tục thay đổi và thương hiệu được bảo chứng quốc tế. Bản thân các DN cũng nhận thức rõ được sức ép và có những động thái đối phó nhưng không mấy kết quả.

Như chia sẻ của một DN hoạt động trong ngành may thời trang tư nhân có nhà xưởng ở quận Tân Bình, dù mỗi năm DN đầu tư rất nhiều vào khâu thiết kế nhằm đưa ra mẫu mã mới phục vụ người tiêu dùng, nhưng hàng sản xuất ra vẫn rất khó cạnh tranh được với hàng nhập từ Trung Quốc về màu sắc và giá rất rẻ. 

Theo đánh giá của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay các yếu tố giá, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.

Thay vào đó, vấn đề người tiêu dùng quan tâm chính là chất lượng, thông tin sản phẩm được thể hiện rõ trên bao bì, nhãn mác như thế nào. Chính vì vậy, rất nhiều DN đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào bao gói, mẫu mã sản phẩm, bởi đây là con đường hiệu quả nhất trong tiếp cận người tiêu dùng Việt.

Nâng chất hàng hóa chinh phục thị trường nội ảnh 1 Bao bì sản phẩm bắt mắt là cách tiếp cận nhanh nhất tới người tiêu dùng

Nói về câu chuyện bao bì, nhiều chuyên gia bán lẻ cũng khẳng định, một bao bì đẹp sẽ đem lại giá trị truyền thông thương hiệu lớn; trong khi một bao bì xấu sẽ khiến việc quảng bá hình ảnh, truyền thông thương hiệu không có giá trị, không đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng.

Điều đó càng khiến các khách hàng đánh giá phía DN không đầu tư nghiêm túc trong việc kinh doanh của mình.

Thay đổi để thích ứng

Ông Phạm Thành Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dừa Quốc Thắng, chia sẻ điểm yếu lâu nay của các DN Việt vẫn nằm ở khâu đóng gói bao bì. Bản thân Dừa Quốc Thắng cũng mắc phải điểm yếu này.

Bởi vậy, công ty đang tìm kiếm đối tác để thiết kế và cung ứng những mẫu bao bì đẹp mắt, thu hút khách hàng, nhằm không chỉ khai thác ở thị trường nội địa mà còn tiến tới xuất khẩu ở những nước lân cận.

Cùng quan điểm này, một chủ cơ sở thức uống sữa bắp cũng khẳng định, bao bì thực phẩm chính là điểm mấu chốt để tiếp cận khách hàng mới, tiềm năng. 

Trên thực tế, rất nhiều người tiêu dùng khi mua sắm đều chú ý đầu tiên tới hình dáng sản phẩm và cách bao gói. Chị Lê Phượng (ngụ quận 3, TPHCM) cho rằng, tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn sản phẩm của chị là bao bì phải đẹp, mẫu mã phải phong phú, kèm theo đó là các cam kết tiêu chuẩn chất lượng được thể hiện rõ ràng trên sản phẩm. 

Xuất phát từ nhu cầu thị trường cũng như tư duy sản xuất của DN thay đổi, các sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” của các đơn vị sản xuất trong nước ngày càng được đánh giá cao về việc cải tiến mẫu mã, bao bì.

Khảo sát tại các hệ thống bán lẻ như siêu thị Co.opmart cho thấy, các sản phẩm hàng Việt từ rau quả, giày dép cho tới quần áo hiện đã được các DN quan tâm đầu tư mạnh vào mẫu mã, kiểu dáng, bao bì.

Chẳng hạn như sản phẩm rau organic của Vinamit, mỗi loại rau như mồng tơi, cải ngọt hay rau muống… đều được đóng gói rất đẹp và có đủ các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất. 

Ngoài sản phẩm rau củ, các ngành hàng khác như giày dép, quần áo của DN Việt sản xuất cũng có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, hàng may mặc, giày dép ở các chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình, Bến Thành… đến các khu mua sắm như Taka Plaza, Saigon Square… hiện được người tiêu dùng đánh giá rất đa dạng trong kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, các DN thời trang đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện những khảo sát về thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng…Từ đó, định vị được hướng phát triển phù hợp.

Và để tồn tại được, các thương hiệu luôn phải tung ra các mẫu mã mới, mỗi khi bán được một bộ sưu tập, DN phải ngay lập tức tái đầu tư vào bộ sưu tập mới hơn. 

Chủ sạp kinh doanh quần áo Châu Anh (chợ Phạm Văn Hai) chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm hàng nội địa nên sạp này chỉ kinh doanh hàng do DN Việt Nam sản xuất. Mấy năm nay, mẫu mã của DN đã có sự cải tiến rõ rệt theo hướng thời trang và bắt mắt hơn nên việc buôn bán cũng thuận lợi. 

Một sản phẩm, nếu đã gặt hái thành công nhất định tại một thị trường, thì cùng với bao bì đó, sản phẩm sẽ không nhiều khó khăn để chinh phục người tiêu dùng tại những thị trường khác.

Bao bì mẫu mã không chỉ có tác dụng bảo vệ sản phẩm mà còn thu hút khách hàng và tạo ra phong cách riêng cho sản phẩm. Dù vậy, một điều có thể thấy, bên cạnh những DN đã ý thức được tầm quan trọng của bao bì, vẫn có không ít DN còn chủ quan.

Tin cùng chuyên mục