Nâng chất để siêu thị Việt là nơi mua sắm tin cậy

Để tiếp tục là bạn đồng hành và là nơi mua sắm tin cậy của người tiêu dùng Việt, nhà bán lẻ Saigon Co.op không ngừng nâng cao quy trình kiểm soát đầu vào và khẳng định chỉ kinh doanh những sản phẩm của nhà sản xuất uy tín, được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cung cấp chứng nhận “bảo chứng”. 

Là nơi cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho khách hàng, suốt 33 năm qua Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán vẫn luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu trong quy trình xét duyệt hàng hóa trước khi đưa vào kinh doanh. Theo đó, thực phẩm chất lượng phải được đảm bảo từ các nguyên liệu sử dụng cho khâu sản xuất đến quá trình vận chuyển hàng hóa, bảo quản thực phẩm. 

Hàng hóa bán tại Co.opmart được kiểm soát chặt chẽ đầu vào 
Để thực hiện, Saigon Co.op đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng đầu vào. Cụ thể, trong khâu lựa chọn nhà cung cấp, Saigon Co.op luôn ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP. Đặc biệt, suốt quá trình kinh doanh, Saigon Co.op thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra tại đơn vị sản xuất, lấy mẫu tại điểm bán để kiểm định đột xuất, giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ này. 

Đáng chú ý, năm 2019 thông qua hợp tác cùng BSI Việt Nam (công ty chuyên về đánh giá, cấp chứng nhận và đào tạo về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của Vương quốc Anh), Saigon Co.op đã áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại siêu thị. Theo đó, chỉ tiêu an toàn và độ tươi ngon của các loại rau củ quả, thủy hải sản, trái cây đều được nâng cao theo tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bộ tiêu chuẩn này có tính kế thừa và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước, đồng thời bổ sung tiêu chí mới gắn với chuyển biến thực tế của xu hướng tiêu dùng hiện đại. Quy chuẩn mới áp dụng cho nhóm thủy hải sản, nhóm rau ăn lá, nhóm củ quả và nhóm trái cây nội, trái cây ngoại… đều được chia nhỏ và có quy định chặt chẽ cho từng nhóm. Trong đó, quy định cụ thể hơn về yêu cầu điều kiện vận chuyển sản phẩm. Ngoài đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định nhà nước, phương tiện vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện cụ thể về nhiệt độ, độ thông thoáng, giúp bảo quản hàng hóa không bị hư hỏng, giảm độ tươi trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng thực phẩm tươi sống khi muốn được đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food) phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Theo đó, quan sát bên ngoài sản phẩm phải đạt độ tươi phù hợp, phải chuyển đến siêu thị trong vòng từ 8 giờ - 36 giờ kể từ thời điểm thu hái, đánh bắt, bao gói và phải được bảo quản trong điều kiện tối ưu, không cấn giập, hư hỏng, không côn trùng, không nhiễm tạp chất, kích cỡ đạt chuẩn…

Theo chia sẻ của lãnh đạo Saigon Co.op, việc áp dụng tiêu chuẩn này với mong muốn gắn kết chặt chẽ với nhà sản xuất, đơn vị cung cấp để cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. 

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng liên tục phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng thực hiện tập huấn phổ biến kiến thức cho nhà cung cấp nhằm bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Gần đây nhất, ngày 10-5, Phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op đã phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức hội thảo “Giới thiệu các quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm theo Thông tư 24/2019/TT-BYT và giới thiệu hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ công bố của doanh nghiệp đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. 

Chia sẻ về ý nghĩa của hội thảo này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, việc kinh doanh buôn bán và sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép đã gây ra những hậu quả không tốt đối với sức khỏe, cũng như tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Hội thảo về Thông tư 24 sẽ là động lực để doanh nghiệp thực phẩm làm ăn chân chính yên tâm sản xuất và phát triển trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cũng như bà Lý Kim Chi, 100 nhà cung cấp, các cá nhân, tổ chức đang sản xuất, kinh doanh tham gia hội thảo cho biết, hoạt động này đã giúp họ hiểu rõ các quy định về phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, liều lượng phù hợp để tạo ra các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định uy tín của thương hiệu trên thị trường. 

Tin cùng chuyên mục