Nâng chất để hàng Việt bay xa

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp hàng Việt đang ngày càng cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy thương mại, từng bước giữ vững và mở rộng thị trường trong nước; tập trung cho chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm của mình.
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hàng Việt đã có mặt tại Singapore
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hàng Việt đã có mặt tại Singapore

Nỗ lực vì hàng Việt

Thời gian qua, trên khắp cả nước đã có hàng trăm câu chuyện về sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt khi làm ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ hấp dẫn người tiêu dùng. Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một điển hình trong sáng tạo độc đáo, giúp giá trị của hạt tiêu được gia tăng lên hàng trăm lần so với bán thô. Thông qua chế biến thành những sản phẩm có thể ăn ngay, đặc sản vùng đất này được mang những cái tên quen thuộc như tiêu không hạt, tiêu một nắng, tiêu sữa. Quan trọng hơn, nó thay đổi và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, mở ra cơ hội tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. 

Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Marketing Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, cho biết doanh nghiệp này đã chủ động trong việc phân phối và hạn chế qua khâu trung gian đưa trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng qua các cửa hàng đại lý gắn bó. Trong sản xuất thì tăng hiệu quả quản lý, áp dụng công nghệ kỹ thuật để làm sao chất lượng năng suất lao động tăng lên, đồng thời giảm giá thành, áp lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, để giảm chi phí trên mỗi đầu đơn vị sản phẩm, bắt buộc doanh nghiệp phải tăng sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm để chia bớt chi phí lên các dòng sản phẩm. Bên cạnh đó,  doanh nghiệp phải triệt để tiết kiệm, xem lại hệ thống phân phối, luân chuyển hàng hóa, kể cả giờ sản xuất cũng tính toán lại làm sao để chi phí thấp nhất. 

Đưa hàng Việt xuất ngoại

Tại khu vực phía Nam, theo đánh giá của ngành công thương, câu chuyện về sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị, có chất lượng đang ngày càng phổ biến. Không dừng ở những cách làm truyền thống, hay làm những cái mình có mà các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu để làm ra những cái thị trường cần. Chính nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp đã chắp cánh thương hiệu cho hàng Việt Nam vươn đến nhiều vùng miền trên cả nước, giúp người dân được tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng tốt mà giá cả phù hợp.

Cũng nhờ vậy, hàng Việt không chỉ được phổ cập rộng rãi mà còn ngày càng tạo được niềm tin, uy tín thương hiệu với người tiêu dùng nội địa. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố phía Nam, tính đến hết tháng 9-2019, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống đều tăng lên đến 90%, cho thấy hàng Việt đã và đang khẳng định được vị thế trong lòng người tiêu dùng. 

Đáng chú ý, những nhà bán lẻ nội địa như Saigon Co.op, Satra, Vinmart… đã có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất để chắp cánh cho hàng Việt phát triển. Nhờ vậy, không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam, hàng Việt còn vươn tới hàng trăm các thị trường quốc tế như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ… và ngày càng được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

Tin cùng chuyên mục