Nâng chất đào tạo sau đại học - Bài 1: Thực trạng đáng báo động

Những năm gần đây, đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ở các cơ sở đào tạo ngày càng tăng về quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại, đó là những cơ sở uy tín ngày càng ít người học, tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi nhiều cơ sở khác lại tuyển sinh đào tạo khá dễ dãi, hậu quả là cho “ra lò” nhiều luận văn thạc sĩ (ThS), luận án tiến sĩ (TS)… vô thưởng vô phạt.
Học viên cao học tại một trường đại học thực hành trong phòng thí nghiệm
Học viên cao học tại một trường đại học thực hành trong phòng thí nghiệm

LTS: Nếu như đào tạo đại học được xem là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì đào tạo sau đại học là đào tạo ra những chuyên gia có năng lực nghiên cứu khoa học, khám phá tri thức mới để đóng góp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, năng lực nghiên cứu khoa học của đất nước. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên gia trình độ thạc sĩ, tiến sĩ với mục tiêu nâng cao năng lực giảng dạy cho các trường đại học cũng như phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng của đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều vấn đề bất cập mà cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo cần thẳng thắn nhìn nhận để có những giải pháp đi đúng hướng là đào tạo ra những chuyên gia, những nhà khoa học thực thụ.

Những năm gần đây, đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ở các cơ sở đào tạo ngày càng tăng về quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại, đó là những cơ sở uy tín ngày càng ít người học, tuyển không đủ chỉ tiêu, trong khi nhiều cơ sở khác lại tuyển sinh đào tạo khá dễ dãi, hậu quả là cho “ra lò” nhiều luận văn thạc sĩ (ThS), luận án tiến sĩ (TS)… vô thưởng vô phạt.

Trường uy tín tuyển khó

Trong nhiều năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh sau đại học (ĐH) tại nhiều trường ĐH lớn ở TPHCM sụt giảm đáng báo động. Sự bất hợp lý này có phải vì chất lượng đào tạo của nhiều trường có vấn đề, hay thực tế đang bùng nổ đào tạo sau ĐH và sự dễ dãi trong thi tuyển?

Theo thông tin phóng viên Báo SGGP tìm hiểu, từ năm 2012-2018, số lượng thí sinh đăng ký dự thi sau ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM giảm mạnh. Từ hơn 10.000 thí sinh của năm 2012, đến năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh đăng ký dự thi (chỉ tiêu là 3.683). So sánh giữa thí sinh đăng ký với chỉ tiêu ở từng trường lại càng thấy rõ hơn sự đáng báo động này. Như ở Trường ĐH Bách khoa: năm 2012 có 57 thí sinh đăng ký so với 50 chỉ tiêu TS (năm 2017 chỉ còn 14/90); ThS từ 3.464 thí sinh đăng ký so với 1.550 chỉ tiêu ở năm 2012, năm 2017 chỉ còn 592/1.363…

Chỉ tiêu đào tạo ThS, TS của các trường, viện thành viên ĐH Quốc gia TPHCM có sự đi xuống rõ rệt, trong đó rõ nhất là đào tạo ThS. Năm 2012, tổng chỉ tiêu ThS là 3.550, đến năm 2017 chỉ còn 3.320 (giảm 9,35%). Nếu so sánh giữa chỉ tiêu với trúng tuyển thực tế thì còn đáng lo hơn rất nhiều. Ở trình độ TS, từ năm 2013 trở đi không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu: năm 2014 là 227 thí sinh trúng tuyển/270 chỉ tiêu; năm 2015 là 239/300; năm 2016 là 263/338. Trình độ ThS lại càng lao dốc nhiều hơn: năm 2014 có 2.997/3.211, năm 2016 là 2.375/3.262.

Lễ trao bằng Thạc sĩ của một đơn vị đào tạo sau đại học

Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2013, trường này có 8.000 thí sinh đăng ký dự thi ThS thì đến năm 2018 chỉ còn 1.400. Cùng với đó, điểm chuẩn cũng giảm mạnh: năm 2013, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh tế với 16 điểm/2 môn, đến năm 2017 và 2018 điểm chuẩn còn 10 điểm/2 môn thi. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ThS cũng giảm mạnh. Những năm trước đây có đến 3.000 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu là 500, thì vài năm gần đây chỉ tiêu giảm còn khoảng 200 và thí sinh dự thi cũng chỉ có 400.

TS Lê Ngọc Sơn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và sau ĐH Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, từ năm 2018 đến nay, không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu sau ĐH: năm 2018 tuyển được 170/231 chỉ tiêu ThS, TS tuyển được 4/10 chỉ tiêu; năm 2019 ThS tuyển được 180/244 chỉ tiêu, TS tuyển được 4/24 chỉ tiêu; năm 2020 ThS tuyển được 240/329, TS tuyển được 9/26 chỉ tiêu; năm 2021 ThS tuyển được 171/252 chỉ tiêu, TS tuyển được 17/50 chỉ tiêu. Dù năng lực nhà trường về đào tạo sau ĐH lớn hơn chỉ tiêu, nhưng trường không thể tuyển đúng theo năng lực vì một phần muốn nâng cao chất lượng và một phần tuyển cũng rất khó.

Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT mới đây, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Trường có 26 chuyên ngành ThS nhưng năm 2021 tuyển được 380 thí sinh và chỉ đạt 48,3% chỉ tiêu; năm 2020 trường tuyển 9 chuyên ngành TS nhưng có 10 thí sinh dự thi (8 thí sinh trúng tuyển); và năm 2021 chỉ tuyển được 20% chỉ tiêu.

Đào tạo dễ dãi, sai phạm tràn lan 

Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo sau ĐH, các trường chỉ đào tạo tại cơ sở chính và học trực tuyến không quá 30% tổng số tín chỉ. Tuy nhiên, hiện rất nhiều cơ sở đào tạo lại liên kết, tuyển sinh và mở lớp đào tạo tại nhiều địa phương. Thậm chí có trường còn cho nợ cả đầu vào… làm cho tình hình tuyển sinh ở hệ đào tạo này không lành mạnh.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trường tổ chức cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức môn học trình độ sau ĐH trong chương trình đào tạo ThS. Học viên có thể tham gia học chung với các lớp ThS tại trường, hoặc trường mở lớp tại địa phương khi đạt số lượng tối thiểu 20 người/lớp. Theo báo cáo của trường, từ năm 2015-2017 đã cấp 781 chứng chỉ cho học viên. Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức là chưa đúng quy định.

Còn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng lại ký kết và giao Công ty TNHH Đầu tư giáo dục Vạn Thành Công tổ chức chiêu sinh, tổ chức các lớp học cao học kể từ năm 2019 tại địa điểm 178 Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận (TPHCM). Từ năm 2019 đến tháng 10-2020, công ty này tuyển sinh và đào tạo 167 học viên cao học, trong đó chuyên ngành Quản trị kinh doanh có 49 học viên, chuyên ngành Luật kinh doanh 118 học viên. Ngoài ra, trường này còn tổ chức đào tạo tại nhiều địa phương khác.

Việc tuyển sinh, đào tạo ThS tại Trường ĐH Luật TPHCM cũng có nhiều sai phạm. Trường này tổ chức học bổ sung kiến thức cho học viên đầu vào ThS sau khi kết thúc tuyển sinh là không đúng với quy chế. Ngoài ra, một số hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh do nhà trường cấp chưa đảm bảo được miễn thi ngoại ngữ. Cùng với đó, trường còn phối hợp với 14 đơn vị để tổ chức tuyển sinh, đào tạo ThS đối với 40 lớp ngoài trụ sở của trường.

Không những vậy, hiện nay nhiều trường như ĐH Trà Vinh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Lương Thế Vinh… cũng tổ chức tuyển sinh và đào tạo ThS tại TPHCM, Đồng Nai…

Cùng với việc cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh sau ĐH, hiện nay việc làm luận văn ThS, luận án TS cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Với việc tuyển sinh dễ dãi và đào tạo ngoài cơ sở chính, thậm chí giao cho công ty, trường trung cấp quản lý lớp học thì chất lượng đào tạo khó mà đảm bảo.

Một học viên tên T.V.C. vừa hoàn thành luận văn ThS chia sẻ về lớp học cao học chuyên ngành Luật của một trường ĐH liên kết mở lớp đào tạo tại Đồng Nai: “Lớp học tại TP Biên Hòa được giao cho một trường trung cấp quản lý. Lớp có 20 người, trong đó có nhiều cán bộ quản lý nhà nước. Học viên nghỉ học chỉ cần nhắn tin cho người quản lý là xong. Còn thi kết thúc môn thì dùng tài liệu, điện thoại thoải mái. Khi làm luận văn thì trước tiên mời thầy hướng dẫn đi nhậu, phong bì phong bao các kiểu. Luận văn làm chẳng cần vắt óc, đau đầu mà chỉ cần thầy gợi ý rồi sao chép chỉnh sửa là được. Tính ra tiền học phí còn ít hơn tiền bồi dưỡng cho các giảng viên…”.

Trong khi đó, hiện nay cũng tồn tại một thực tế có nhan nhản dịch vụ công khai quảng cáo, giới thiệu làm luận văn, luận án trên các trang mạng xã hội. Đối với luận văn ThS thường ở mức 15-20 triệu đồng. Còn đối với luận án TS thường gấp đôi, gấp 3 và ít công khai. Đơn cử như tại địa chỉ https://hotroluanvan.net/ nhận làm luận văn ThS và luận án TS với đảm bảo “không sao chép, đạo văn, hoàn tiền 100% nếu không đạt”. Để tạo thêm niềm tin cho “khách hàng”, quản trị viên còn thông tin “thành viên của nhóm là các nghiên cứu sinh, giảng viên có trình độ ThS, TS đang công tác tại các trường ĐH hàng đầu ở TPHCM.

Hiện cả nước có hơn 140 cơ sở đào tạo trình độ TS và gần 180 cơ sở đào tạo trình độ ThS, với quy mô đào tạo hơn 13.500 nghiên cứu sinh và hơn 105.000 học viên cao học. Trong những năm gần đây, rất nhiều cơ sở đào tạo được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh ThS, TS. Cùng với đó, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài cũng tăng đáng kể: có đến gần 300 ngành liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH, trong đó khu vực phía Nam có 67 ngành đào tạo sau ĐH… Hiện phổ biến một số phương thức tuyển sinh sau ĐH tại Việt Nam và thế giới là xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn, xét tuyển hồ sơ qua đăng ký trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục