Nâng cấp sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh: Chờ đến bao giờ?

Năm 2009, đường Nguyễn Hữu Cảnh hư hỏng, xuống cấp, TPHCM chấp thuận chủ trương chỉ định Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) sửa chữa theo hình thức hợp đồng tổng thầu “chìa khóa trao tay”. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 8 năm, tuyến đường này vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG
Hư hỏng trầm trọng
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 3km là một trong những tuyến đường huyết mạch của TPHCM kết nối vào khu vực trung tâm qua cửa ngõ Đông Bắc. Được khởi công xây dựng từ năm 1997 và đưa vào sử dụng năm 2002, nhưng sau đó, đường bị lún sụt và ngập nước khiến nơi này trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu vực. 
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục kiến nghị UBND TP về việc triển khai sửa chữa tuyến đường này. Theo Sở GTVT, năm 2009 TPHCM chấp thuận chủ trương chỉ định Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) sửa chữa, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã ký hợp đồng “chìa khóa trao tay” với CC1 để triển khai dự án.
Ngay sau đó, CC1 tổ chức nghiên cứu dự án với mục tiêu xử lý lún nền đường, nâng cao mặt đường, cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước đảm bảo hết ngập, sửa chữa phần cầu và đường đầu cầu Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên tuyến, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và khai thác đồng bộ toàn tuyến.
Tổng chiều dài tuyến sửa chữa khoảng 3,12km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 472 tỷ đồng (chi phí xây dựng khoảng 344 tỷ đồng, không giải phỏng mặt bằng). Đến năm 2015, dự án này mới được thông qua chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và được TP bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Theo phương án đề xuất gần đây của Vingroup, tập đoàn này sẽ ứng kinh phí khoảng 526,7 tỷ đồng cho TP (không tính lãi) để thực hiện dự án. 
Năm 2017, dự án đã được bố trí kế hoạch vốn công trình chuẩn bị đầu tư và thuộc danh mục dự án trong chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020. Để rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 8 tháng, UBND TP đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM được đầu tư dự án này theo lệnh khẩn cấp. Đồng thời cho TP được tiếp tục triển khai hợp đồng “chìa khóa trao tay” mà không phải lập lại thủ tục lựa chọn nhà thầu. 
Tiếp tục chờ vì chỉ đạo chưa rõ
Kiến nghị của TPHCM đã được các bộ: GTVT, Xây dựng, Tài chính thông qua và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản phản hồi. Cụ thể, UBND TPHCM căn cứ các quy định của pháp luật để quyết định theo thẩm quyền việc tiếp tục giao nhà thầu thực hiện theo hợp đồng “chìa khóa trao tay” đã ký kết và chịu trách nhiệm về phương án bố trí vốn thực hiện dự án phù hợp với ngân sách TP và theo quy định pháp luật về đầu tư công.  
Theo Sở GTVT, dự án này đã đủ điều kiện về vốn, hồ sơ dự án cũng đảm bảo đủ điều kiện để phê duyệt đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên, với chỉ đạo như trên của Phó Thủ tướng thì “Sở GTVT nhận thấy nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ chưa rõ kiến nghị của TP”.
Theo Sở GTVT, nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng hiện nay đang phải hiểu theo hai cách: Một là, Thủ tướng đã ủy quyền cho TP quyết định và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền việc tiếp tục hợp đồng “chìa khóa trao tay” đã ký kết với CC1 - có nghĩa là đồng ý với kiến nghị của TP. Hai là, theo quy định hiện hành, TP không đủ thẩm quyền quyết định thực hiện dự án theo lệnh khẩn cấp trong trường hợp này.
Mặt khác, tính chất đặc thù công trình và tình hình hiện nay có khác so với thời điểm TP chấp thuận chỉ định năm 2009 nên không thể thực hiện dự án theo kiến nghị của TP.
Bối rối vì chỉ đạo này, Sở GTVT đã tham khảo ý kiến Sở Tư pháp. Sở Tư pháp cho rằng, nội dung công văn của Văn phòng Chính phủ không thể hiện rõ “cho phép” hay “ủy quyền” cho TP được thực hiện đầu tư dự án theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách. Do đó, không có cơ sở để TP thực hiện theo Nghị định 59/2015 của Chính phủ. Và như vậy, việc xác định ai là nhà thầu của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đang phải chờ ý kiến của Chính phủ. 
Một dự án khác cũng đang chậm trễ đó là dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và 2) do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn và tạo động lực phát triển nhanh hơn cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là khu chức năng số 1 (khu trung tâm tài chính, thương mại).
Tại thời điểm khởi công, chủ đầu tư cam kết hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào dịp lễ 30-4-2018, nhưng đã gần 2 năm hình dáng cây cầu cũng chỉ nằm trên mô hình. Đến nay, tiến độ của dự án chỉ mới là xử lý xong nền đất yếu và làm mặt đường của tuyến đường dẫn số 2 (phía Thủ Thiêm). Ở đường dẫn số 1 phía đường Tôn Đức Thắng đang bị chậm do vướng thi công ga metro, cũng như vướng việc di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời ụ tàu của cảng Ba Son… 
Hiện nay, vào giờ cao điểm sáng và chiều, các ngả đường từ quận 2 về trung tâm TPHCM đều kẹt và ùn tắc. Anh L.T.T., một cư dân tại quận 2 cho biết, thời gian gần đây, anh phải chọn thời điểm sau 8 giờ sáng để di chuyển vào trung tâm TP do các hướng từ quận 2 đổ vào trung tâm đều kẹt cứng, nhất là làn đường ô tô. Đã đến lúc cần thúc đẩy nhanh các dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm 2 để giải quyết quá tải giao thông khu vực. Đây cũng là mong đợi của đông đảo người dân quận 2, Thủ Thiêm, Bình Thạnh, khu vực Đông Bắc thành phố.
Dự án xây cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và 2) dài gần 1,5km với 6 làn xe. Cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối với Đại lộ Vòng cung (Tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), được thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT. Dự án có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và tư vấn là 2.283 tỷ đồng; di dời hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải tỏa là 308,5 tỷ đồng; dự phòng khối lượng và dự phòng thay đổi mức lương là 491 tỷ đồng và chi phí dự phòng trượt giá, lãi vay là 1.180 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục