Nâng cao ý thức tiêu dùng sản phẩm sạch

Theo thống kê từ Sở Công thương TPHCM, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP chiếm khoảng 30% thị phần, 70% còn lại đến từ các kênh phân phối khác như cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống… 
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều người rất thích mua sắm tại các chợ “chồm hổm”, chợ vỉa hè… vì rất ngại vào khu vực nhà lồng chợ. Đây chính là một trong những nguyên nhân thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc luôn có chỗ để tồn tại. Do vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong tiêu dùng sản phẩm sạch đang được các sở ngành, cơ quan chuyên trách nỗ lực thực hiện.

Lựa chọn điểm bán uy tín

Mỗi ngày, chị Nguyễn Mai Thuyên, chuyên viên làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung (quận 12, TPHCM) đều dậy từ sáng sớm, mua hàng tươi sống tại khu vực nhà lồng chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12. “Tôm, cua được vận chuyển trực tiếp từ chợ đầu mối về đây nên còn khá tươi và ngon. Hầu hết thực phẩm đều được cơ quan chức năng giám sát định kỳ nên cũng yên tâm. Tôi thường mua hàng ở những tiểu thương quen thuộc từ vài năm nay, hạn chế tối đa việc đi chợ dọc các tuyến đường hay những điểm bán dạo xung quanh chợ truyền thống”, chị Mai Thuyên cho biết. Thế nhưng, không phải bà nội trợ nào cũng có chung suy nghĩ này. Bà Mai Thị Thủy, ngụ đường Dương Thị Mười (quận 12) thổ lộ việc tiện đâu mua đó vì đối với bà thực phẩm miễn sao cứ tươi ngon, bóng bẩy, đồng nghĩa với hàng sạch, an toàn. Thêm nữa, chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà, bà Thủy đã có thể mua được bó rau, vài lạng thịt, tôm, cá đủ loại; việc gì phải ra các chợ truyền thống cách đó từ 1 - 2km, vừa mất thời gian vừa tốn tiền gửi xe.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, TP hiện có 24 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối lớn (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) với tổng doanh thu của ngành bán lẻ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng/năm. Tuy hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, nhưng được trao nhiệm vụ quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt thị trường, giải quyết trực tiếp vấn đề “nóng” cho người tiêu dùng, đó là đưa thực phẩm sạch lên quầy kệ (đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác)…

Thời gian qua, Sở Công thương TPHCM thường xuyên phối hợp với nhà vườn ở nhiều địa phương thực hiện chuỗi sản xuất sạch từ nông trại đến bàn ăn. “Thực tế, vẫn tồn tại một bộ phận người tiêu dùng mua thực phẩm tại các chợ tự phát vỉa hè, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Để bảo vệ bản thân, gia đình, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các điểm bán uy tín như siêu thị, trung tâm thương mại; hoặc các quầy hàng trong khu vực nhà lồng chợ truyền thống, không mua hàng trôi nổi ngoài vỉa hè, lề đường…”, bà Nguyễn Huỳnh Trang khuyến cáo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, trong suốt thời gian qua, ban đã tập trung bảo đảm ATTP từ nguồn cung ứng. Nguồn này không chỉ từ các chợ đầu mối đến chợ truyền thống, siêu thị mà còn phải đi về các tỉnh. Riêng TPHCM, hơn 70% số nông sản, thực phẩm tươi sống được cung ứng từ các tỉnh lân cận. Song song đó, khi đã đưa vào hệ thống, đối với siêu thị hiện đại vấn đề quản lý ATTP sẽ bài bản, dễ dàng hơn (hệ thống kiểm nghiệm thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng…), điều kiện bảo quản cũng tốt hơn.

Nhưng với hơn 200 chợ truyền thống thì việc đảm bảo ATTP có khó hơn, nhất là trong bối cảnh người dân còn thói quen “tiện đâu mua đó”, xem nhẹ vấn đề chất lượng sản phẩm. “Chính vì vậy, trong mọi trường hợp đơn vị luôn khuyến cao nếu bà con phải cân nhắc lựa chọn giữa chợ vỉa hè, chợ cóc, chợ tạm với chợ truyền thống thì hãy chọn chợ truyền thống. Bởi những chợ tự phát  không đảm bảo các vấn đề ATTP có liên quan. Thêm nữa, trong chợ truyền thống cũng đang xây dựng theo các tiêu chí: đảm bảo điều kiện vệ sinh, ý thức người bán hàng, nguồn gốc thực phẩm…”, bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin.

Đối với dịp Tết Nguyên đán 2019, Ban quản lý ATTP đã lập 12 đoàn kiểm tra, thanh tra cùng với các đoàn liên ngành của quận, huyện để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm. Đặc biệt, đối với giai đoạn cận tết như hiện nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đang tập trung vào các kho lạnh, đơn vị sản xuất thực phẩm phục vụ tết như nước giải khát, bia rượu, bánh mứt, trái cây… Khi càng tiến gần đến tết, Ban quản lý ATTP sẽ giám sát chặt hơn các khâu phân phối hàng hóa. Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý thị trường TPHCM, đơn vị cũng đang tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên trách nhằm giám sát chặt chẽ thị trường tiêu dùng TP vào dịp cuối năm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho cả người bán lẫn người mua.

Tin cùng chuyên mục