Nâng cao trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tạo động lực phát triển

Ngày 19-11, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì. 
Không say sưa với kết quả 9 tháng đầu năm
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nắm sát tình hình, đánh giá đúng diễn biến để xác định được trọng tâm và có giải pháp cụ thể cho những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Nâng cao trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tạo động lực phát triển ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG.
“Chúng ta không nên bi quan trước những khó khăn mà phải tìm các dư địa để tập trung phát triển. Nhưng cũng không say sưa với kết quả của 9 tháng đầu năm. Cái đó đã được ghi nhận rồi, bây giờ chúng ta phải nhìn thấy các phát sinh trước mắt để đánh giá cho đúng, nhằm có các giải pháp tránh bị động”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm sẽ là chủ đề trọng tâm của năm 2023, là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để công việc trôi chảy, đồng chí đề nghị chia thành ba nhóm công việc.
Cụ thể, nhóm công việc không thể giải quyết thì các sở, ngành, địa phương phải trả lời để các tổ chức, cá nhân biết. Nhóm giải quyết được thì phải giải quyết đúng thẩm quyền, đúng tiến độ. Nhóm cần báo cáo xin ý kiến thì phải báo cáo kịp thời để UBND thành phố giải quyết hoặc báo cáo Chính phủ, các bộ ngành. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của năm sau.
"Đó là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của của mỗi công chức, tập trung tháo gỡ, giải quyết công việc. Nếu làm tốt việc này thì bản thân chúng ta tạo được động lực mới đóng góp cho sự phát triển”, Chủ tịch UBDN TPHCM nhấn mạnh.
Nâng cao trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tạo động lực phát triển ảnh 2 Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Về giải ngân đầu tư công, đồng chí đề nghị từng sở, từng chủ đầu tư, quận huyện và TP Thủ Đức phải rà lại nhiệm vụ trên địa bàn còn vướng mắc ở điểm nào để tháo gỡ. Bởi trong điều kiện hiện nay, khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa, do đó phải tập trung thực hiện quyết liệt hơn. Do đó, cần phải tập trung quyết liệt các giải pháp từ nay đến cuối năm để giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao nhất.
Liên quan đến các công trình trọng điểm, trong đó có dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trước mắt ngày 31-11 thành phố phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp. Do đó, các sở ngành, quận huyện liên quan đến quy hoạch phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thành hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của cơ quan, công chức để phối hợp tốt hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Cuối năm doanh nghiệp gặp khó
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, do ảnh hưởng của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật giảm lượng tiêu thụ nên ngành dệt may của TPHCM bị ảnh hưởng rất nặng nề, hàng tồn kho tăng cao. Trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023, khách hàng hạn chế và không đặt thêm đơn hàng, trong tháng 11-12, dự kiến các doanh nghiệp còn thiếu 30-35% đơn hàng.
Nâng cao trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tạo động lực phát triển ảnh 3 Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40% so với bình thường. Trong khi đó, các chi phí logistic, nguyên vật liệu tăng cao, giá dầu thế giới cũng có thể bị đẩy lên mức cao. Do đó, các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động rất nhiều.
Liên quan đến tình hình lao động thời gian qua, Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Văn Thinh cho biết, tính đến nay có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động. Tuy nhiên, so với năm 2021 chỉ tăng 1 doanh nghiệp và thấp hơn năm 2019-2020 (lần lượt 74 và 86 doanh nghiệp cắt giảm lao động) thì số lượng lao động bị cắt giảm không đáng kể. Sở LĐTB-XH đã phối hợp với Liên đoàn lao động, BHXH cùng các địa phương tiếp cận, làm việc với các chủ doanh nghiệp yêu cầu xây dựng phương án bố trí lại lao động và đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp kết nối, giới thiệu việc làm mới lao động bị mất việc.
Chủ tịch UBND TPHCM nhận định tình hình sản xuất công nghiệp hiện nay có rất nhiều ngành đơn hàng không có dẫn đến đình trệ sản xuất, giãn, giảm, cắt việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động. Do đó, Sở LĐTB-XH phối hợp cùng các đơn vị liên quan phải nắm bắt, theo sát tình hình bởi không chỉ công nhân mất việc tại TPHCM, mà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng sẽ ảnh hưởng đến thành phố.

Dự báo năm 2023 kinh tế gặp nhiều khó khăn

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai, dự kiến 14/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 TPHCM thực hiện đạt kế hoạch. Có hai chỉ tiêu khó đạt, là về nhà ở xã hội và số phòng học trên một vạn dân, còn lại 3 chỉ tiêu chưa xác định được chính xác.

Điểm qua bức tranh chung của năm 2022, Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay một số khó khăn nổi bật của năm là tình hình chứng khoán, bất động sản còn khó khăn, khan hiếm xăng dầu ảnh hưởng kinh tế - xã hội, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp. Công tác phối hợp giữa các sở ban ngành trong giải quyết khó khăn vướng mắc vẫn còn chậm, trao đổi chuyên môn giữa các sở ngành cũng chưa đạt yêu cầu. Các đơn vị tự chủ tài chính giảm nguồn thu, các đơn vị y tế cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó là khó khăn về tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị.

Nâng cao trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tạo động lực phát triển ảnh 4 Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Năm 2023, dự báo kinh tế trong nước cũng như thành phố sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, đột ngột, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng… Trong đó, tác động lớn có thể kể đến biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, bên cạnh đó là những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục.

Sở KH-ĐT đề xuất chủ đề năm 2023 là: “Phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”.

Tổng số 19 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Sở KH-ĐT đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) trên 8%. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, với kết quả tăng trưởng năm 2021-2022 như vừa qua, để đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 8% như mục tiêu đã đề ra, thì các năm 2023, 2024, 2025, tốc độ tăng trưởng cần đạt trên 10%. “Mục tiêu đề ra là rất khó khăn, chúng ta cần rất nỗ lực để thực hiện”, bà Huỳnh Mai nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục