Nâng cao tay nghề cho người lao động: Khoảng trắng đào tạo

Nước ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đổi mới không ngừng của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Điều này đòi hỏi người lao động phải thường xuyên được cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề để không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại TPHCM thời gian qua, hầu hết phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp (DN).
Nhờ cách đào tạo tại Công ty cổ phần In số 7, Lương Ngọc Thẩm (giữa) từ vị trí số 3 đã lên làm trưởng máy in thế hệ mới và được đi học tập tại Nhật. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Nhờ cách đào tạo tại Công ty cổ phần In số 7, Lương Ngọc Thẩm (giữa) từ vị trí số 3 đã lên làm trưởng máy in thế hệ mới và được đi học tập tại Nhật. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Để có nguồn nhân lực cao

Năm 2017, Công ty cổ phần In số 7 (KCN Tân Tạo, TPHCM) nhập một máy in thế hệ mới từ Nhật. Trước đó, khi có kế hoạch đầu tư thiết bị này, công ty cử 2 nhân viên thạo việc sang Nhật để học cách vận hành và kỹ năng quản lý máy. Nhờ đó, khi thiết bị về đến thì công ty cũng đã có ngay nhân viên thạo việc để vận hành. Đó là một trong rất nhiều cách công ty đầu tư nâng cao tay nghề cho lao động tại đơn vị. Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7, cho biết, bất kỳ người lao động nào khi được nhận vào làm việc tại công ty đều phải ký cam kết tiếp tục học tập nâng cao trình độ, tay nghề và chi phí do công ty thanh toán.

Để nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, hàng năm công ty đều mở 6 - 8 khóa học, mời giảng viên từ các trường nghề có uy tín đến giảng dạy. Công ty cũng cử nhân viên tay nghề cao sang nước ngoài học tập; tạo điều kiện để người đi trước đào tạo người đi sau, trưởng máy đào tạo nhân viên thành trưởng máy... Từ cách làm này, công ty đã có được 6 trưởng máy chất lượng cao, đủ điều kiện có thể đứng lớp dạy nghề cho công nhân. Không chỉ vậy, từ năm 2013, công ty bắt đầu chương trình đào tạo 40 công nhân kỹ thuật và tiếp tục đều mỗi năm. Nhờ đó, trong khi nhiều đơn vị lo thiếu hụt lao động có chuyên môn thì tại công ty không thiếu, mà còn có cả lực lượng lao động dự phòng trẻ với tay nghề cao. 

Ngoài đào tạo nâng cao tay nghề, nhiều công ty còn quan tâm đào tạo thêm nghề tay trái cho công nhân. Ngày được nhận chứng chỉ nấu ăn, chị Nguyễn Thị Hiếu, công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) phấn khởi lắm. Chị Hiếu năm nay 38 tuổi, sau 20 năm làm việc, chị thấy công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ với đường kim, mũi chỉ đã không còn phù hợp. Chị muốn học thêm nghề nào đó để sau này nghỉ làm ở công ty thì vẫn còn có công việc ổn định, nhưng chần chừ hoài vì chưa sắp xếp được thời gian. Vì vậy, khi công ty mở lớp dạy nấu ăn, chị đăng ký tham gia ngay. “Tôi muốn học lâu rồi nhưng không có thời gian. Bình thường, cả ngày đi làm, cuối tuần cũng tăng ca, hôm nào được nghỉ thì vắt chân lên cổ lo cơm nước, con cái, nhà cửa… May mắn công ty mở lớp dạy ngay nơi làm việc, lại bố trí thời gian hợp lý nên chúng tôi tham gia được”, chị Hiếu tâm sự.

Không may mắn như chị Hiếu, chị Trần Thanh Nhã, công nhân may tại quận Thủ Đức sau khi bị công ty cắt giảm lao động do dịch Covid-19, chị thất nghiệp. “Tôi nay đã 42 tuổi rồi, các công ty may khác chê tôi lớn tuổi. Ngày còn trẻ đi làm tối ngày, không có thời gian học nghề này nghề kia để làm vốn, giờ lớn tuổi thành ra thất nghiệp”, chị Nhã than thở. 

Trong khi đó, đại diện Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức lại cho rằng, việc nâng cao tay nghề của người lao động trên địa bàn quận hiện chưa được chính người lao động quan tâm. Khi được vận động học tập nâng cao tay nghề nhằm cải thiện thu nhập, nhiều người lao động không mặn mà tham gia.

Tùy tinh thần mỗi doanh nghiệp

Nhằm phục vụ sản xuất của công ty, hàng năm, Công đoàn Công ty PouYuen tổ chức các lớp đào tạo về may công nghiệp - may thời trang, điện lạnh, nấu ăn cho gần 100 công nhân. Để thuận lợi cho công nhân tham gia học tập, lớp học được tổ chức ngay tại công ty với phòng học, bàn ghế và trang thiết bị thực hành đầy đủ. Chi phí đào tạo từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/học viên, được công đoàn công ty hỗ trợ 40%, Liên đoàn Lao động quận Bình Tân hỗ trợ 60%.

Ngoài ra, hàng năm công ty còn tổ chức các lớp như: tiếng Anh, tiếng Hoa; các lớp học nghề làm móng, làm tóc, trang điểm hoàn toàn miễn phí, phục vụ lao động có nhu cầu. Năm 2020, Công đoàn công ty còn tổ chức thêm 2 ngành nghề mới là điện công nghiệp và vận hành thiết bị nâng, nâng xe. Tổng kinh phí đào tạo năm 2020 gần 412 triệu đồng, với 177 công nhân được đào tạo. Thế nhưng, với số công nhân hơn 62.000 người thì con số được đào tạo tại PouYuen chỉ chiếm một phần quá nhỏ.

 Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, cho biết, trên địa bàn quận hiện có hơn 350.000 lao động. Những năm gần đây, công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động cũng được quận Bình Tân và các DN quan tâm. Nhiều DN đã tự chủ động tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, số người lao động được đào tạo lại còn rất khiêm tốn so với lao động trên địa bàn.

Hiện nay, Luật Việc làm 2013 có quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần In số 7, có nhiều nguyên nhân dẫn đến DN chưa mặn mà với chính sách này. Một trong những điều kiện bắt buộc là DN đó gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng, buộc phải thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất kinh doanh. Thứ nữa, là mức hỗ trợ thấp (1 triệu đồng/người/tháng) và tối đa không quá 6 tháng… Trong khi đó, hàng năm Công ty cổ phần In số 7 dành 1 - 2 tỷ đồng cho chi phí đào tạo. “Chi phí đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đều do công ty tự bỏ ra. Chúng tôi hiểu rằng, đó là trách nhiệm và quyền lợi. Bởi, chỉ có cách làm này công ty mới có được nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao”, ông Trung nhấn mạnh. 

Nhiều DN cũng đánh giá, hiện việc đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động hầu như phụ thuộc vào tinh thần mỗi DN. Trong khi đó, chất lượng đào tạo tại một số trường nghề không thể đáp ứng nhu cầu công nghệ tại DN. Điều này làm lãng phí lực lượng lao động trẻ, siêng năng, cần mẫn, dẫn đến lực lượng lao động phổ thông hiện đang rất lớn nhưng lao động chuyên ngành lại quá nhỏ.

Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:

Doanh nghiệp phải tự tổ chức

TPHCM hiện có hơn 4,7 triệu lao động, trong đó, có 3,5 triệu lao động đã qua đào tạo. Hàng năm, các cơ sở đào tạo nghề của sở tổ chức nhiều lớp học nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có chất lượng cho thành phố. Sở chỉ lo lao động có chất lượng cho đầu vào, còn việc đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động trong DN thì các DN phải tự tổ chức. Riêng với lao động trên 35 tuổi - đối tượng dễ bị đào thải khi không còn đáp ứng được nhu cầu công việc trong các công ty - phải tự sắp xếp học, tự trau dồi.


TS HUỲNH THANH ĐIỀN:

Sử dụng ngân sách đào tạo nghề chưa hiệu quả

Ngân sách dành cho công tác đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động khá lớn, nhưng thực tế các đơn vị sử dụng nguồn ngân sách này không hiệu quả. Nguyên nhân, do phương pháp và cách thức tổ chức chưa thu hút DN và người lao động. Hiện nay, việc đào tạo nâng cao tay nghề chủ yếu tập trung vào những hoạt động đào tạo có cấp chứng chỉ và người lao động buộc phải có chứng chỉ (như đào tạo về đấu thầu, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm…) thì DN mới cử lao động tham gia.

Để DN và người lao động quan tâm hơn đến các hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động thì các quận huyện, tỉnh thành không nên tự tổ chức. Thay vào đó, việc này nên tổ chức đấu thầu hoặc lựa chọn và giao cho những DN có năng lực thực sự về đào tạo nghề thực hiện. Những DN này sẽ có những phương pháp tổ chức đào tạo chuyên nghiệp và đa dạng, từ khâu truyền thông, chiêu sinh đến công tác lựa chọn đội ngũ giảng viên uy tín, chất lượng.

Tin cùng chuyên mục