Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ĐBSCL

ĐBSCL lâu nay được xem là “vùng trũng” của cả nước trên nhiều lĩnh vực. Song chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 đang bật lên những gam sáng, gợi mở hướng đi tích cực có thể giúp ĐBSCL thoát khỏi “ao làng” trong quá trình khởi nghiệp!
Mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp. Ảnh: HẢI MINH
Mô hình cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp. Ảnh: HẢI MINH
Nhiều cái nhất từ PCI! 

Cho đến nay, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có tay nghề vẫn là 2 điểm yếu cốt tử của ĐBSCL. Chính quyền các tỉnh, thành đã nhận ra điều này và đang vận dụng linh hoạt các hình thức tiếp cận mềm để tạo ra môi trường kinh doanh có năng lực cạnh tranh cao, từng bước khắc phục các điểm yếu. Trong đó, chính quyền Đồng Tháp nổi lên với mô hình cà phê doanh nhân, Cần Thơ đối thoại với doanh nghiệp, Bến Tre với khởi nghiệp năng động, Sóc Trăng với chính quyền cầu thị… Những mô hình đó đang tạo ra sự lan tỏa tích cực trong môi trường kinh doanh của vùng. “Cà phê doanh nhân ở Đồng Tháp sẽ đi vào lịch sử. Ở đó, không phải là nơi ban ơn để doanh nghiệp được lợi, mà ở đó là ngôi trường để chính quyền học về phát triển kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định.  

“PCI 2017 vừa được công bố. Lần đầu tiên trong 13 năm điều tra, PCI có điểm số cao nhất, cho thấy có sự thay đổi về quản lý và điều hành. ĐBSCL lần đầu khẳng định không còn “màu hồng yếu đuối”. Điểm đặc biệt PCI năm nay là các tỉnh ĐBSCL đều tăng mạnh từ 0,5 đến hơn 1 điểm về chỉ số tính năng động tiên phong của lãnh đạo, thậm chí, nếu cả nước đang lo ngại về tính minh bạch và thiết chế pháp lý... thì các tỉnh ĐBSCL lại tăng. Đây là vùng khó khăn nhưng với đà này, thì tin rằng yếu tố “mềm” trong quản trị nhà nước sẽ giúp ĐBSCL tăng trưởng tốt hơn!”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, chia sẻ. 

“Sau giải phóng đến nay, tỉnh Bến Tre đứng chót bảng về các chỉ số kinh tế. Chính quyền cũng tự ti, mắc cỡ! Nhưng cũng chính từ đó thôi thúc phải tự trọng thoát nghèo…”, ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tâm sự về “hành trình tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp” trên quê hương Đồng Khởi. Nhìn lại sau 2 năm phát động phong trào khởi nghiệp (trong đó có sự tiếp sức từ cộng đồng doanh nhân Bến Tre đang sống ở TPHCM), ông Trương Duy Hải nói một cách khiêm tốn: “Chúng tôi chưa làm bài bản, còn phải tiếp tục học tập. Bến Tre không dám tham vọng, hay nói đúng hơn là chưa khởi nghiệp sáng tạo mà chỉ mới khởi nghiệp mưu sinh!”. Tuy nhiên với những gì Bến Tre đã và đang làm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, tin rằng, cách làm của Bến Tre đã tạo dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Không chỉ là mưu sinh ở “ao làng” mà có thể vươn xa. Ông Vũ Tiến Lộc cũng yêu cầu VCCI Cần Thơ hợp tác, hỗ trợ tỉnh Bến Tre xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp điển hình cho cả nước.

Cơ hội thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Gần đây, người ta quan tâm nhiều đến bảng xếp hạng PCI của cả nước. Thế chỉ số PCI mang đến điều gì từ cải thiện môi trường kinh doanh? “Tốc độ tăng trưởng của địa phương sẽ tương đồng thu hút đầu tư (nhất là doanh nghiệp nước ngoài) tăng mạnh. Cụ thể là từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh thu hút đầu tư trên 6 tỷ USD”, bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, cho biết. Quá trình để Quảng Ninh tiếp cận được ngôi vị “quán quân” trên bảng xếp hạng PCI năm 2017 là một chuỗi hành trình thực hiện các yếu tố “mềm” cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính. Cụ thể là Quảng Ninh đã chăm chút trách nhiệm từ công đoạn người ghi phiếu phản hồi… Tất nhiên, cùng với việc lập các tổ chức năng, các sở ngành, quận huyện cùng tham gia; mở kênh tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trên mạng xã hội đã tạo ra cầu nối minh bạch để Quảng Ninh trở thành điểm sáng về PCI trong năm 2017.

Vậy còn ĐBSCL? “Điểm số và xếp hạng PCI của ĐBSCL nổi bật là: Nơi thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất, thời gian đăng ký/thay đổi ngắn nhất, chất lượng giải quyết thủ tục tốt nhất, nơi cải cách hành chính có chất lượng tốt nhất, ít nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra, nơi doanh nghiệp chịu gánh nặng “chung chi” ít nhất, nơi có môi trường hoạt động an toàn về pháp lý cao nhất, nơi cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe nhất… Cùng với việc doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định, xác lập hình ảnh chính quyền “thân thiện”, đã tạo nên một “thương hiệu” của vùng nhiều năm qua”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, nhận định. 

“Dư địa PCI còn rất lớn. Như Quảng Ninh đang đứng đầu PCI chỉ đạt điểm số 7/10. Nghĩa là người dân và doanh nghiệp chỉ mới đánh giá làm tốt chứ chưa xuất sắc. Các địa phương phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn cải cách sắp tới. Tập trung khắc phục điểm yếu trong bộ chỉ số, phát huy điểm mạnh để bứt phá. Chia sẻ kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam, nhận định. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, các địa phương cần có nghị quyết để cải thiện chỉ số PCI. Nên xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận huyện, sở ngành. Một số địa phương đã đưa xuống cấp phòng, xã phường, đẩy áp lực cải cách đến cơ sở, đến từng cán bộ công chức. “Hiện có 9/13 tỉnh trong vùng đã xây dựng chương trình khởi nghiệp và thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp. Cải thiện PCI là cơ hội cho ĐBSCL thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, cho biết.
“Gần đây từ khóa “4.0” được tìm hiểu và nói nhiều. Theo tôi, cần phải tạo ra từ khóa trong PCI là “1.4”. 1 ở đây chính là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Chính phủ đề ra. 4 ở đây chính là liên quan đến Nghị quyết 19 (Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020) mà tinh thần bao trùm của nó là chất lượng cạnh tranh phải xếp hàng thứ tư ở ASEAN”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục