Nâng cao kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp

Buổi tập huấn do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức mới đây đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tham dự.

Nội dung chủ đề “Những tình huống thực tế trong hợp đồng kinh doanh quốc tế - rủi ro từ những sơ sót của doanh nghiệp” đang được dư luận rất quan tâm, liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao thương của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. 

Theo luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, việc đàm phán trong hợp đồng hàm chứa nhiều yếu tố. Đó không chỉ là vấn đề nhận thức về phương pháp đàm phán mà còn là sự khôn ngoan và tỉnh táo trong những hạng mục đối tác đề xuất.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay, để tiết kiệm thời gian, chi phí, thường lựa chọn phương án đàm phán gián tiếp qua các công cụ điện tử. Tuy nhiên, việc lạm dụng này cũng có thể trở thành “con dao hai lưỡi” bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi chứng cứ từ những công cụ điện tử không phải lúc nào cũng có giá trị. 

Ngoài ra, luật sư Lê Thành Kính cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần tìm hiểu, đoán biết được cách hành xử của đối tác để hạn chế tối đa việc trao đổi không hiệu quả. Doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu kỹ về giá cả, luật áp dụng, quyền và lợi ích các bên trước khi hợp tác với bạn hàng.

Việc vận dụng những điều khoản của CISG (Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980) sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp nên tham khảo kỹ những thông tin điều khoản này. 

Cũng tại buổi tập huấn, luật sư Châu Việt Bắc, Phụ trách chi nhánh VIAC TPHCM, đã trao đổi thêm với các doanh nghiệp liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ví dụ như, vướng mắc liên quan đến yếu tố chủ thể, phương thức vận chuyển theo quy tắc Incoterm, giá trị pháp lý của con dấu, việc chậm trả trong thanh toán, các phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh…

Tin cùng chuyên mục