Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nâng cao đời sống nhân dân. 

Chiều 13-12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”. Hội thảo do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức.

Các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì hội thảo.

Hội thảo là dịp để trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” (ngày 15-1-2019), từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Qua hội thảo, xác định rõ nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế ảnh 1 Các đồng chí chủ trì cùng đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh T.B
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Doãn Tiến cho biết, trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 50 bài tham luận khoa học của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,… Nội dung các tham luận đã tập trung phân tích, kiến giải và đề xuất những giải pháp hàm chứa cả lý luận lẫn thực tiễn phong phú nhằm quản lý, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế trong thời gian tới. 
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế ảnh 2 Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh T.B
Theo đồng chí Trần Doãn Tiến, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn tồn tại, hạn chế. Những bất cập đã được Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra chưa được khắc phục nhiều. Đó là việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu các kỹ năng mềm. Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả. Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hoá, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước. Nợ xấu tuy đã được xử lý một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.…
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào vấn đề sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong đó nhấn mạnh đến việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao là quan trọng, đột phá.
Cùng với đó là vấn đề kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ; xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội… 
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế ảnh 3 Quang cảnh hội thảo. Ảnh T.B
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ; đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư...

Tin cùng chuyên mục