Nâng cao chất lượng sống của người lao động

Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động vừa tổ chức ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách do dịch Covid-19 gây ra nhưng kết thúc năm 2020, Việt Nam vẫn xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất thế giới, xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,7 tỷ USD. Thành tích ấy có sự đóng góp của hàng triệu công nhân lao động trên cả nước. 

Dù vậy, Chủ tịch nước nhắc nhở, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có 12 vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động hiện nay như tiền lương, thu nhập, nhà ở, môi trường làm việc, trường học cho con… Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2020 chỉ đạt 6,7 triệu đồng/người, giảm 8,6% so với năm trước đó. Có khoảng 31,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng, 70% số người lao động bị giảm thu nhập, 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc. Năm 2021, dự báo tình hình có thể chưa khả quan hơn nên đời sống của người lao động còn bấp bênh.

Theo Chủ tịch nước, đại dịch Covid-19 thậm chí đã làm những vấn đề này trở thành cấp bách, khó khăn hơn lúc nào hết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục nỗ lực giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn của người lao động. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, hoàn thành “mục tiêu kép” để kinh tế nhanh chóng phục hồi, thu nhập tăng trở lại và nhiều việc làm mới được tạo ra, không chỉ bù đắp giai đoạn vừa rồi mà còn tạo “sức bật lò xo” cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Nhìn về dài hạn, chúng ta tin tưởng rồi đây đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, kinh tế sẽ phục hồi trở lại, thu nhập và đời sống của người lao động sẽ tiếp tục tăng cao so với hiện nay. Tuy nhiên lúc đó, vấn đề chiến lược đặt ra không chỉ là làm cách nào để người lao động được đảm bảo ăn no mặc ấm, có thu nhập cao mà còn hướng tới nhu cầu cao hơn là được ăn ngon mặc đẹp, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, tương xứng với công sức, đóng góp của lực lượng đang làm ra 60% của cải cho xã hội. 

Thực tế nhiều năm qua, báo chí đã liên tục phản ánh tình trạng đời sống tinh thần của người lao động giảm sút, phần lớn phải làm thêm giờ, tăng ca kíp; về nhà không đủ thời gian xem tivi, đọc sách báo, thụ hưởng đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động; nhiều người đi làm xa nhà, phải thuê trọ với giá cao, con em không có chỗ gửi; nhiều nhà máy vẫn để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, bữa ăn không đủ chất, đảm bảo an toàn... 

Để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống cho người lao động trong thời kỳ mới, các cấp công đoàn cùng với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cần đầu tư nhiều hơn cho các thiết chế công đoàn (nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị, nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, khu giải trí... tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất); thi đua phát tạo sáng kiến về thương lượng, đại diện bảo vệ người lao động, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Bộ LĐTB-XH phải giám sát việc tuân thủ thời gian làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát việc tăng lương đúng quy định, giữ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, không để lương người lao động tăng không kịp với tăng giá. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp giải quyết việc làm bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, nhất là cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục