Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh

Điểm thi môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 cho thấy môn học này đang có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, điểm trung bình cả nước tăng từ 4,36 (năm 2019) lên 4,58, số bài thi đạt điểm trên 5 tăng từ 31,26% (năm 2019) lên 36,87%. Tuy nhiên, với hàng loạt đề án phát triển môn tiếng Anh từ phía các bộ ngành, môn học này cần thêm nhiều giải pháp để thật sự chuyển mình.
Thí sinh TPHCM vui mừng khi kết thúc môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thí sinh TPHCM vui mừng khi kết thúc môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM: Điểm thi không đều giữa các quận huyện

Thống kê điểm thi trung bình môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của các trường trên địa bàn TPHCM cho thấy, có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường ở khu vực nội và ngoại thành. Trong đó, đơn vị có điểm thi trung bình môn tiếng Anh cao nhất là Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) với 8,58 điểm, gần gấp đôi điểm thi trung bình cả nước và cao hơn 2,74 điểm so với điểm trung bình của thành phố. Kế đến là các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (bình quân tiếng Anh 8,46 điểm), THPT chuyên Lê Hồng Phong (bình quân tiếng Anh 8,31 điểm). 

Ở chiều ngược lại, đơn vị có điểm thi trung bình môn tiếng Anh thấp nhất là một trường THPT ở huyện Cần Giờ với 2,69 điểm. Ngoài ra, thành phố có 15 trường THPT có điểm thi trung bình tiếng Anh dưới 4, tập trung ở các huyện ngoại thành và khối năng khiếu thể dục thể thao. Lý giải thực tế này, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường THPT ở huyện Cần Giờ cho biết, phần lớn học sinh ở ngoại thành không chọn các tổ hợp môn xét tuyển đại học có môn tiếng Anh.

Do đó, các em hầu như chỉ cần đạt điểm “chống liệt” để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà giáo này cũng thừa nhận chất lượng dạy và học môn tiếng Anh ở ngoại thành hiện nay nhiều hạn chế. Nhiều trường 2-3 năm liền không tuyển được giáo viên tiếng Anh, điều kiện dạy học với các thiết bị nghe nhìn, phần mềm hỗ trợ còn khiêm tốn. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm thi trung bình tiếng Anh với 5,84 điểm, cao hơn 0,06 điểm so với điểm trung bình năm 2019 và tăng 0,78 điểm so với năm 2018. Tuy nhiên, so với 8 môn còn lại, điểm trung bình tiếng Anh vẫn “đội sổ”. Đáng chú ý, bài thi tiếng Anh bị điểm liệt (dưới 1 điểm) tăng 1,3 lần so với năm 2019. Đây là thực tế trăn trở nhiều năm qua của ngành giáo dục. 

Còn nhớ năm 2019, ngay sau khi công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến môn học này có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi là do cả nước đang tồn tại song song hai chương trình đào tạo ngoại ngữ là hệ 7 năm (học sinh học tiếng Anh từ lớp 6) và hệ 10 năm (học tiếng Anh từ lớp 3).

Chất lượng giáo viên không đồng đều giữa các địa phương, giáo viên có xu hướng đổ dồn về các quận trung tâm, trường điểm nên xảy ra tình trạng “vùng trũng” giáo viên. Mặt khác, dạy và học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay đang theo hướng chú trọng năng lực, tăng cường khả năng nghe - nói, giao tiếp cho học sinh, đề thi tốt nghiệp với yêu cầu từ vựng, ngữ pháp nên chưa phản ảnh hết năng lực người học. 

Tăng đãi ngộ để thu hút giáo viên

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Đoàn ĐBQH TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết, trong chương trình hiện hành, 2 môn tiếng Anh và Tin học theo hình thức tự chọn ở bậc tiểu học (TH). Tuy nhiên, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, 2 môn này sẽ bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn với hai khối 1 và 2. Do đó, khó khăn lớn nhất hiện nay với các trường TH - bậc học mang tính chất nền tảng là khó tuyển giáo viên tiếng Anh do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm. Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm (không chấp nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm như trước) mới đủ điều kiện dạy ở bậc TH.

Quy định này khiến nhiều quận huyện gặp khó trong tuyển dụng giáo viên. Đơn cử năm học 2019-2020, quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên nộp hồ sơ, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng từ bỏ nhiệm sở. Đối với bậc trung học, nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh cũng khan hiếm, một phần do thu nhập từ các trường ngoài công lập cao hơn nhiều lần trường công nên không đủ sức giữ chân giáo viên. Trước thực tế này, lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết, nếu chỉ trông chờ vào việc mở rộng đối tượng tuyển dụng (không bắt buộc hộ khẩu TPHCM) mà không có chính sách hỗ trợ thì bức tranh tuyển dụng vẫn gặp khó.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học mới là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Mục tiêu được bộ này đặt ra là đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ vào năm học 2022-2023, triển khai dạy một số môn học khác bằng ngoại ngữ theo quyết định của Thủ tướng.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Song song đó, các trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh, tiếp tục thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”.

Tin cùng chuyên mục