Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Sáng 17-7, tại TPHCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - thực trạng, giải pháp và những vấn đề đặt ra hiện nay ở các tỉnh phía Nam”.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng và đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (Chỉ thị 15), công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Ngành Lịch sử Đảng trên cả nước đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản hàng nghìn công trình về lịch sử Đảng. Đến nay, Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thành nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 1 (1930-1954); đang tiến hành bổ sung, sửa chữa, viết mới và nâng cao chất lượng công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 2 (1954-1975), tập 3 (1975-2011) và biên soạn 7 tập Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2011)…
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ảnh 1 Các đại biểu tham dự hội thảo trao đổi công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ ở các cấp độ, thời gian khác nhau. Trong đó, có 21/63 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ đến năm 2000; 27/63 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử Đảng bộ đến năm 2005; 5/63 tỉnh xuất bản Lịch sử Đảng bộ đến năm 2010; khoảng 95% quận, huyện xuất bản Lịch sử Đảng bộ, trong đó, khoảng 30% quận, huyện đã xuất bản Lịch sử Đảng bộ 1930-2005 hoặc 1930-2010; gần 50% xã, phường xuất bản Lịch sử Đảng bộ hoặc Lịch sử Truyền thống.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của đại biểu các tỉnh, thành phía Nam đã nêu lên thực trạng, kết quả, những yêu cầu đặt ra và giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15. Trong đó, điển hình với cách làm của TPHCM, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh đến kết quả trong 15 năm qua đã có 331 công trình Lịch sử Đảng bộ, Lịch sử Truyền thống cách mạng, kỷ yếu và các chuyên đề lịch sử khác của các đơn vị, tổ chức, các ngành, các cấp, các quận huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở thực hiện.
Hiện Thành ủy TPHCM đang tập trung thực hiện các công trình: Biên niên Lịch sử Đảng bộ TPHCM giai đoạn 1975-2015 (5 tập); Bộ sách Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt NamLiên minh Lực lượng dân tộc - dân chủ và hòa bình Việt NamChính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Thông sử TPHCM (5 tập).
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đồng chí Thân Thị Thư, Ban Chủ nhiệm Đề án Chỉ thị 15 cần tổng kết thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư ban hành chỉ thị mới, nhằm đáp ứng yêu cầu về tổng kết thực tiễn của từng địa phương, vận dụng vào thực tiễn các công trình nghiên cứu lịch sử, tổ chức học tập, phổ biến, phát huy tác dụng giáo dục của các công trình lịch sử, bổ sung, hoàn thiện các cứ liệu lịch sử mới được nghiên cứu, phát hiện
Cũng với quan điểm này, trong tham luận của mình, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Tỉnh ủy Bình Thuận, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng mạnh dạn kiến nghị cần xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử, nhất là lịch sử Đảng; thường xuyên tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; có phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức triển khai sâu rộng đến từng địa phương và nâng cao chất lượng công tác lưu trữ, để bảo đảm các tài liệu, công trình nghiên cứu lịch sử được giữ gìn, phát huy trong nhiều năm tiếp theo...
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Trung ương và lịch sử Đảng bộ địa phương, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng được nhận thức sâu hơn trong mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Qua đó, góp phần đấu tranh với các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ kiến nghị của các tỉnh thành tại hội thảo này, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tổng kết, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư sớm có đánh giá, tổng kết Chỉ thị 15 và ban hành thực hiện chỉ thị mới về công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Lịch sử Đảng bộ các địa phương trong thời gian tới.  
                 

Tin cùng chuyên mục