Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú: Chủ động các nguồn lực xã hội hóa

Dù thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học, nhưng từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, trên địa bàn TPHCM vẫn xảy ra nhiều trường hợp bếp ăn, căng tin trường học không đảm bảo chất lượng VSATTP, gây ảnh hưởng sức khỏe học sinh. 

Đủ kiểu sai phạm

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra tình hình VSATTP tại 39 đơn vị trường học trên địa bàn TP. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều trường học chưa xây dựng quy chế phối hợp ba bên gồm nhà trường - bếp ăn - phụ huynh trong giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng trường học ký hợp đồng cung cấp suất ăn với cơ sở không có giấy chứng nhận VSATTP, không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm chế biến cho học sinh. Đơn cử, tại quận Bình Tân, cơ sở T.M ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho 6 trường học trên địa bàn với số lượng phần ăn mỗi ngày khá lớn nhưng chưa đạt chuẩn VSATTP do có nhiều sai phạm như quy trình chế biến thịt heo không đảm bảo, thịt vẫn còn lông trên da trong phần ăn của học sinh, hợp đồng cung cấp nguyên liệu không có giấy chứng nhận VSATTP, không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm chế biến…

Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú: Chủ động các nguồn lực xã hội hóa ảnh 1 Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM)

Tại quận Thủ Đức, hàng loạt đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường mầm non, tiểu học và THCS không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thực phẩm không có chứng nhận đạt chuẩn VSATTP, không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Riêng tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), căng tin trường vẫn còn bày bán nước ngọt có gas, vi phạm quy định của ngành GD-ĐT về việc không bán nước ngọt có gas cho học sinh. 

Trước thực tế trên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, sở đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý ATTP TP tăng cường chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở, công ty cung cấp suất ăn sẵn cho trường học trên địa bàn TP. Ngoài ra, sở cũng đề nghị UBND 24 quận, huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT nhắc nhở các đơn vị trường học ký hợp đồng cung cấp suất ăn với đơn vị đạt chuẩn VSATTP, đảm bảo thực hiện thực đơn cân bằng dinh dưỡng và không kinh doanh nước ngọt có gas đối với học sinh.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, hiện nay hiệu trưởng được giao quyền lựa chọn đơn vị ký hợp đồng mua bán hoặc cung cấp suất ăn cho học sinh. Do đó, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo chất lượng VSATTP tại đơn vị. 

Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp

Hiện công tác quản lý VSATTP trường học được các trường giao cho hiệu phó phụ trách bán trú. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ đảm bảo công tác VSATTP, vị này còn phụ trách nhiều lĩnh vực khác như cơ sở vật chất trường lớp, quản lý học sinh… Phó hiệu trưởng bán trú một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, trung bình một trường học quy mô 1.000 học sinh sẽ có 3 - 5 nhân viên cấp dưỡng, thực hiện các nhiệm vụ tiếp phẩm, sơ chế nguyên liệu, chế biến thực phẩm và chia suất ăn cho học sinh.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có quy định xử lý hiệu trưởng nếu để xảy ra vi phạm VSATTP trong trường học. Khi có trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý chỉ có văn bản nhắc nhở, yêu cầu đơn vị khắc phục sai phạm, đồng thời xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thi đua của đơn vị. 

“Khối lượng công việc nhiều, thời gian làm việc thường bắt đầu từ 6 giờ sáng nhưng đa số thu nhập của các cô không quá 6 triệu đồng/người/tháng, chỉ được ký hợp đồng làm việc chứ không có trong biên chế, lương hay thưởng tết cuối năm đều thấp so với các vị trí lao động khác trong trường”, vị này bày tỏ. Đây cũng là lý do khiến đội ngũ này thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng chất lượng tổ chức bữa ăn cho học sinh. 

Ngoài ra, theo quy trình tổ chức bữa ăn bán trú, nhân viên y tế trường học cũng tham gia giám sát, có ký nhận đảm bảo chất lượng thức ăn. Tuy nhiên, yêu cầu này đang bị các trường “lơi lỏng” do sử dụng lao động kiêm nhiệm, nhân viên y tế kiêm thư viện hoặc văn thư. Do đó, để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú, các trường đều kiến nghị TP nghiên cứu có thêm chế độ, chính sách đặc thù cho lực lượng này.

Theo ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 2 trường tiểu học xây dựng thành công mô hình bếp ăn một chiều đạt chuẩn từ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế là Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11) và Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3). Ngoài ra, một số trường khác cũng vận dụng tổ chức mô hình bếp ăn đạt chuẩn từ nguồn xã hội hóa như Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú)…

Tuy nhiên, để nhân rộng hơn những mô hình này, cần sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Đặc biệt, các trường cần chủ động các nguồn lực xã hội hóa, đáp ứng kịp thời những yêu cầu còn hạn chế của giáo dục TP.

Tin cùng chuyên mục