Nạn voi rừng phá hoa màu ở Đồng Nai

Một đàn voi rừng khoảng 10 cá thể liên tục quần phá hoa màu của người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Xung đột giữa voi và người ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhưng dự án (DA) bảo tồn loài voi và bảo vệ con người sau nhiều năm triển khai vẫn chưa hoàn tất.
Voi rừng thường kéo về phá rẫy của người dân huyện Định Quán trong đêm. Ảnh: TTXVN
Voi rừng thường kéo về phá rẫy của người dân huyện Định Quán trong đêm. Ảnh: TTXVN

Có mặt tại xã Thanh Sơn trong những ngày cuối tháng 7, ngoài những cơn mưa như trút nước, chúng tôi còn cảm nhận không khí hoang mang, lo sợ đang bao trùm lên cuộc sống người dân nơi đây bởi nạn voi rừng kéo về tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn. 

Anh Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp 7 cho biết, thường voi rừng xuất hiện vào lúc hơn 5 giờ chiều, lúc đó người dân không còn có mặt ở nương rẫy nữa nên cũng không biết để xua đuổi không cho chúng phá hoại hoa màu. Nhưng nếu voi xuất hiện vào lúc họ đang ở đó thì cũng chẳng dám đuổi vì voi rất hung dữ có thể chúng sẽ tấn công lại. Việc voi rừng kéo nhau về khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thiệt hại kinh tế nặng nề. Còn anh Chồi A Sú ngụ ấp 4 nói rằng: “Chúng tôi đã ngán voi rừng lắm rồi, nghịch ngợm và rất phá. Chúng đi đến đâu là quật ngã cây, phá trái, hoa màu đến đó. Lúc cơ quan chức năng mới lắp hàng rào điện để ngăn voi ra khu dân cư, khu nương rẫy thì chúng tôi cũng an tâm hơn, vì voi bị điện giật nên bỏ đi. Tuy nhiên, cả tháng nay voi vẫn về, phá hoại hết hoa màu của chúng tôi. Mỗi lần voi xuất hiện là cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, đi rẫy thì sợ voi nhưng không đi lại sợ con cái chết đói”.

Cách đây không lâu, một con voi ngà lệch dẫn đàn về phá rẫy và sát hại một người dân khi người này đi vào rừng chích cá. Theo người dân, do rừng tự nhiên bị thu hẹp, thức ăn của voi ngày càng ít nên voi về khu nương rẫy của người dân để kiếm ăn, phá. Có những thời gian, chúng tôi phải ngủ ở chòi ngoài rẫy để canh voi, thấy voi về là đánh kẻng, đốt lửa để đuổi voi. “Nhưng càng ngày voi càng lỳ, chúng tôi chẳng dám ở lại rẫy nữa. Thà chịu mất hoa màu còn hơn mất mạng”, ông Nguyễn Hoàng Phìn, ngụ ấp 6 nói. 

Để giải quyết vấn nạn xung đột giữa voi và người, tỉnh Đồng Nai đã triển khai dự án khẩn cấp bảo tồn voi và hàng rào điện là một trong các hạng mục chính, được đưa vào vận hành tháng 9-2017. Hàng rào điện dài 50km, cao 2,2m, dòng điện công suất thấp, được phát ra trong khoảng 1/3 giây, nên khi người đụng vào sẽ giật bắn ra, không nguy hiểm tới tính mạng, nó còn khiến voi hoảng sợ không dám lại gần. Dự án còn các hạng mục khác như trồng bổ sung thức ăn cho voi, đánh giá lại nguồn nước, trồng cây thuốc trị bệnh cho voi... với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng, nhưng hiện dự án vẫn chưa hoàn tất.

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã cử lực lượng phản ứng nhanh của chi cục phối hợp lực lượng công an, dân quân tự vệ huyện Định Quán, chính quyền xã Thanh Sơn, người dân ở ấp 4, 5, 6, 7, triển khai các biện pháp xua đuổi voi quay vào rừng, tuyên truyền vận động người dân tránh xung đột với voi để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Ngoài ra, theo ông Lê Việt Dũng (Phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai), chi cục đang kiến nghị UBND tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng thêm 20km hàng rào điện nối điểm cuối tại xã Thanh Sơn đến giáp bờ sông Đồng Nai.

Tin cùng chuyên mục