Nan giải bài toán thiếu bác sĩ

Nguồn nhân lực y tế tại khu vực ĐBSCL từ lâu đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng được xem là hy vọng hàng đầu của các địa phương trong nỗ lực nâng cao tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân. Thế nhưng, hy vọng này đang gặp phải nhiều khó khăn khi các bác sĩ vẫn quyết tâm “dứt áo ra đi”, cho dù phải bồi thường kinh phí đào tạo khá cao.
Sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ trong giờ học. Ảnh: LÊ ĐÌNH
Sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ trong giờ học. Ảnh: LÊ ĐÌNH

Nhân lực “quý hiếm”

Số liệu từ các sở y tế cho thấy, tính đến năm 2018, ĐBSCL trung bình có 7,85 bác sĩ và 1,39 dược sĩ/vạn dân. Con số này còn khá thấp so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 122/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tại quyết định này, chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 là sẽ có 9 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/vạn dân. Bên cạnh thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, ĐBSCL còn xuất hiện tình trạng số lượng bác sĩ, dược sĩ mất cân đối giữa các địa phương. Cụ thể, tỉnh có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất tại ĐBSCL là An Giang (6,3 bác sĩ/vạn dân), kế đến là Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân), tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Tại Cần Thơ lại có tỷ lệ khá cao và vượt xa các địa phương khác trong vùng (11,54 bác sĩ và 12,49 dược sĩ/vạn dân).

Ông Lữ Quang Ngời đề nghị, đối với các sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng, cần đưa “đạo đức hứa” vào đạo đức ngành y để giáo dục. Các em phải phục vụ theo đúng cam kết, không thể vì lý do này hay lý do khác, trừ trường hợp bất khả kháng.

Thực trạng thiếu hụt nhân lực y tế tại ĐBSCL càng nghiêm trọng hơn đối với các chuyên ngành y khoa hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu). Cụ thể, hiện nay 13 tỉnh, thành của vùng với 13 trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành này. Toàn vùng có 8 bệnh viện lao và phổi đã đi vào hoạt động, nhưng số bác sĩ chuyên ngành lại rất ít (các tỉnh chỉ có từ 1 - 5 bác sĩ). Theo báo cáo của Trường Đại học Y dược Cần Thơ, năm 2018 toàn vùng có nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm, trung bình là 150 sinh viên, tổng số nhu cầu đào tạo giai đoạn 2016 - 2020 là 1.253 sinh viên.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, bày tỏ lo lắng: Hiện tại, tỉnh đã đầu tư xong 2 bệnh viện tâm thần và lao - phổi, nhưng nhân lực hiện tại mỗi bệnh viện chỉ có 7 - 8 người. Trong khi đó, số sinh viên ngành hiếm được đào tạo vẫn chưa ra trường em nào, dù đã cố gắng mời các em y đa khoa về, nhưng phần lớn đều từ chối.

Cùng khó khăn trên, ngành y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đầu năm tới sẽ đưa vào hoạt động bệnh viện lao - tâm thần, quy mô 180 giường, nhưng nhân lực vẫn đang rất khan hiếm. Ngành đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với chuyên khoa này, đặc biệt là chuyên ngành Pháp y. Tình trạng này khiến Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng Trương Hoài Phong phải ưu ái dùng từ “quý hiếm” để nói về lực lượng này. Ngành y tế Sóc Trăng đã phải đề nghị hạ điểm chuẩn đầu vào của các chuyên ngành y khoa hiếm.

Đâu là giải pháp khả thi?

Năm 2018, nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng của các địa phương trong vùng ĐBSCL là 1.036 sinh viên. Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, chia sẻ: Từ 2 - 3 năm nay, tình trạng đào tạo theo địa chỉ sử dụng “xin ra đi” khá nhiều, chiếm tỷ lệ khoảng trên 20%. Nhiều em sinh viên được đào tạo theo địa chỉ sử dụng (có em tốt nghiệp loại giỏi) lại gây áp lực với sở y tế và UBND tỉnh để đề nghị bồi thường chi phí đào tạo.

Hiện An Giang đang lo lắng về hiệu ứng domino bác sĩ “xin ra đi”. Nếu giải quyết cho 1 em mới ra trường năm nay được bồi thường thì những năm sau tình trạng này sẽ tiếp diễn. “Chảy máu chất xám” nhân lực y tế của ĐBSCL vẫn đang diễn ra tại các địa phương. Việc níu chân các bác sĩ ở lại địa phương phục vụ không dễ dàng. Họ vẫn tìm cách tràn về bệnh viện của các thành phố lớn. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề nghị Trường Đại học Y dược Cần Thơ cần tiếp tục giữ đối tượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng để giúp các tỉnh vượt qua khó khăn về nhân lực. 

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành ĐBSCL còn đối diện một thực tế là các bác sĩ có xu hướng chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, bất chấp nỗ lực “níu kéo” của địa phương. Theo ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, các bệnh viện tư đang được xây dựng ở các tỉnh đã “hút” bác sĩ ở bệnh viện công về nhiều. Đây là nguồn nhân lực khó và tốn nhiều thời gian đào tạo, nếu mất đi thì thiệt thòi sẽ thuộc về những bệnh nhân có thu nhập trung bình và thấp. 

Hiện nay, ngành y tế của 13 tỉnh, thành đều có chung đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong đào tạo chính quy, liên thông và theo địa chỉ sử dụng đối với nhân lực y tế. Tuy nhiên, đề nghị này khó khả thi.

Cụ thể, năm 2018 trường ĐH Y dược Cần Thơ có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp các ngành. Trường hiện có 1.450 chỉ tiêu đào tạo (trong đó ưu tiên tối đa 85% chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL), trên thực tế, trường có năng lực đào tạo đến 1.600 chỉ tiêu, thế nhưng việc xin thêm chỉ tiêu đào tạo của các tỉnh thành lại rất khó đáp ứng.

Giải đáp vấn đề này, GS-TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết, phía nhà trường thấu hiểu khó khăn của các địa phương, cũng muốn đào tạo hết năng lực hiện có, tuy nhiên việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh thật sự rất khó. Cụ thể, năm 2018 trường đã xin thêm 450 chỉ tiêu ngành hiếm, nhưng Bộ Y tế chỉ cho tăng thêm 150 chỉ tiêu.

Tin cùng chuyên mục