Nạn bắt trộm chó vẫn cứ tiếp diễn

Bắt trộm chó để cung ứng cho các quán nhậu là hành vi phạm pháp đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi nào để chấm dứt. Lâu lâu lại tái diễn hệ lụy người truy đuổi bị kẻ bắt trộm chó gây thương vong, hoặc kẻ bắt trộm chó bị nhiều người dân đánh dã man. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về giải pháp xử lý nạn bắt trộm chó. 
Không để pháp luật bị coi thường
Người dân căm ghét bọn trộm chó vì thương con vật đã gắn bó với gia đình, bị bắt trộm, làm thịt đưa lên bàn nhậu. Do chưa bị trừng trị nghiêm nên bọn trộm chó ngày càng lộng hành, còn người dân bị mất chó càng bức xúc.
Nay bọn bắt trộm chó trở nên “chuyên nghiệp” hơn, không còn lừa thít cổ mấy con chó đi rông ngoài đường, mà xông vào tận nhà dân để bắt, thậm chí là cướp chó ngay trước mắt người nuôi. Dụng cụ để trộm chó được trang bị kỹ, từ thòng lọng cho đến lưới điện, kích điện, súng quân dụng, súng bắn điện tự chế. 
Bao biện rằng bắt trộm chó do hoàn cảnh nghèo khó là không đúng. Nhiều người nghèo khó nhưng vẫn sống tử tế. Đa số kẻ bắt trộm chó là thanh niên đang trong độ tuổi lao động nhưng không chịu làm việc, thiếu giáo dục, thích ăn chơi lêu lổng, tụ tập thành từng nhóm quậy phá, trộm cắp để có tiền tiêu xài.
Các chủ lò mổ và chủ quán thịt chó vẫn biết nguồn chó được cung ứng là chó bị trộm, nhưng cứ mua. Kẻ trộm chó có nơi tiêu thụ nên chỉ nghĩ cách bắt cho được nhiều chó để bán. 
Nạn bắt trộm chó vẫn cứ tiếp diễn ảnh 1 Bốn bị cáo bị đưa ra xét xử tại huyện Củ Chi (TPHCM) trong vụ án trộm chó rồi dùng súng xung điện bắn người truy đuổi
Đã có nhiều vụ trộm chó dẫn đến án mạng, vậy mà chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở các địa phương vẫn cứ loay hoay chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và xử lý triệt để.
Cho rằng con chó đáng giá chưa đến 2 triệu đồng, nên công an không xử lý hình sự kẻ trộm chó, chỉ xử phạt hành chính rồi cho về, thế nên kẻ trộm chó xem thường pháp luật, ngày càng lộng hành.
Khi quyền lợi chính đáng của người dân chưa được bảo vệ, kẻ trộm chó chưa bị xử lý thích đáng, người dân dễ manh động, tự trừng trị khi bắt được kẻ trộm chó. Với những vụ án nhiều người dân cùng đánh chết kẻ trộm chó, thường không xác định được hành vi tội phạm của cá nhân nên đành khép lại. Luật pháp cũng bị nhờn, chuyện tự xử kẻ trộm chó vẫn diễn ra.
Với hành vi trộm chó đến mức lộng hành, có hung khí chống trả như hiện nay, Bộ luật Hình sự nên xác định đó là tội hình sự, khi bắt được thì phải khởi tố.
Đồng thời chính quyền các địa phương cần giải thích cho người dân biết, phải bình tĩnh tuân thủ quy định pháp luật, không tự xử lý đánh đập kẻ trộm chó, sẽ thành tội phạm nếu đánh chết đối tượng. Con người văn minh sẽ không tự coi mình có quyền thay pháp luật phán quyết, trừng phạt một ai đó.   
ĐỖ NGÔ TRẦN (quận 9, TPHCM)
Đủ cơ sở xử lý hình sự kẻ bắt trộm chó
Không thể cứ để tồn tại nạn bắt trộm chó dẫn đến quá nhiều hệ lụy. Thực tế đang đòi hỏi phải đưa vấn nạn này vào khuôn khổ pháp luật. Việc cho rằng con chó đáng giá chưa đến 2 triệu đồng, nên chỉ xử phạt hành chính kẻ trộm chó là không hợp lý.
Chó không chỉ là vật nuôi, mà có khi còn được xem là thành viên thân thiết của gia đình, do vậy khi mất trộm chó, nỗi buồn, xót xa lớn hơn nhiều so với việc mất 2 triệu đồng. Không thể dung dưỡng cho nạn trộm cắp, dù trộm cắp vặt cũng là phạm pháp, huống chi đây là bọn trộm “chuyên nghiệp” có đầy đủ hung khí, dụng cụ và có tổ chức. 
Có ý kiến cho rằng nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự việc chế tài hành vi trộm cắp, bẫy, bắt trộm, xâm hại, giết mổ một vài loại thú đặc biệt, trong đó có chó. Nhưng ở nước ta quy định như vậy sẽ bất khả thi, vì có rất nhiều người thích ăn thịt chó.
Theo Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA), Việt Nam là nước tiêu thụ chó nhiều thứ hai ở châu Á (mỗi năm hơn 5 triệu con), chỉ sau Trung Quốc (mỗi năm 20 triệu con). Hiện nay không có cơ quan nào quan tâm quản lý và kiểm soát nguồn gốc thịt chó đang bán ở chợ và các quán nhậu để phòng tránh có mầm bệnh dại truyền nhiễm hoặc mất vệ sinh.
Thật liều mạng khi ăn mà không cần biết xuất xứ nguồn thịt chó có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không. Với thực trạng như vậy, cũng nên tuyên truyền vận động để ngày càng giảm số người ăn thịt chó, vừa giữ gìn hình ảnh văn minh, nhân ái của người Việt Nam trong mắt cộng đồng, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thật ra không phải là đành bó tay, không thể xử lý pháp luật kẻ trộm chó, mà là do lực lượng công an chưa tập trung để xác minh, thu thập chứng cứ. Khi bắt được kẻ trộm chó, cần tiến hành điều tra ra nơi tiêu thụ, sẽ không khó để biết được trong tháng kẻ trộm chó đã bắt trộm bao nhiêu chó để bán.
Như vậy, trị giá số chó trộm không dừng ở mức dưới 2 triệu đồng, sẽ có đủ cơ sở xử lý pháp luật đối với kẻ trộm chó, lò mổ chó và quán thịt chó về tội trộm cắp và tiêu thụ hàng trộm cắp. 
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục