Năm thành công nhất của điện gió ngoài khơi

Năm 2021 là năm điện gió đạt mức kỷ lục ở nhiều khu vực và là năm thành công nhất của ngành điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cần phải tăng gấp 4 lần vào cuối thập kỷ này, nếu thế giới muốn đi đúng lộ trình giữ mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một trang trại điện gió ở Bạc Liêu
Một trang trại điện gió ở Bạc Liêu

Theo Báo cáo Điện gió toàn cầu năm 2022 do Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) vừa công bố, với việc bổ sung gần 94 GW công suất trên toàn cầu, bất chấp đại dịch Covid-19 đã diễn ra 2 năm nay, năm 2021 tiếp tục là năm thành công lớn sau năm 2020. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và quỹ đạo đi lên của ngành điện gió toàn cầu.

Tính đến nay, tổng công suất điện gió tích lũy toàn cầu đã đạt 837 GW, tăng 12% so với năm trước. Trong khi năm ngoái, hai thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ có công suất điện gió trên bờ mới lắp đạt ít hơn so với năm 2020 thì các khu vực khác đã có một năm đạt kỷ lục. Châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông đã tăng công suất lắp đặt điện gió trên bờ mới lần lượt là 19%, 27% và 120%.

Đặc biệt, thị trường điện gió ngoài khơi đã có một năm thành công nhất từ trước đến nay vào năm 2021, với 21,1 GW công suất được đưa vào hoạt động, tăng gấp 3 lần so với năm trước. Công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi khổng lồ của Trung Quốc trong năm 2021 đã chiếm 80% mức tăng trưởng đó, giúp nước này vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt tích lũy.

Mặc dù vậy, điện gió chưa hoàn toàn phát triển ở mức độ đủ nhanh hoặc rộng để thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng toàn cầu một cách an toàn và bền vững. GWEC dự báo rằng vào năm 2030, chúng ta sẽ thiếu hơn 2/3 công suất điện gió cần thiết cho lộ trình giữ mức tăng nhiệt ở mức 1,5°C và phát thải ròng bằng 0.

Vẫn theo báo cáo nêu trên, ngành điện gió phải đối mặt với chi phí cao hơn và khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách đánh giá lại thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp với các mục tiêu kinh tế và xã hội. Đơn cử, nếu không tinh giản các thủ tục cấp phép, bao gồm cả bàn giao đất, thì các dự án đấu nối lưới điện sẽ vẫn không thể thực hiện được. Vai trò quan trọng của hợp tác công tư cũng được nhấn mạnh.

Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC) đại diện cho hơn 1.500 công ty, tổ chức và viện nghiên cứu tại hơn 80 quốc gia, bao gồm các nhà sản xuất, nhà phát triển, nhà cung cấp linh kiện, viện nghiên cứu, hiệp hội năng lượng tái tạo và điện gió quốc gia, nhà cung cấp điện, công ty tài chính và bảo hiểm tham gia vào lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục