Năm học mới 2018-2019: Áp lực từ cơ sở vật chất và đội ngũ

Năm học 2018-2019, là năm học mà toàn ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn ở khâu cơ sở vật chất và đội ngũ để đạt tới mục tiêu chung mà Bộ GD-ĐT đề ra.
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại một trường đại học. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sinh viên nghiên cứu khoa học tại một trường đại học. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp. Đây cũng là năm học mà toàn ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm học 2019-2020. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn ở khâu cơ sở vật chất và đội ngũ để đạt tới mục tiêu chung mà Bộ GD-ĐT đề ra.

Vẫn cục bộ thừa - thiếu giáo viên

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD-ĐT, tại 43 tỉnh/thành hiện thiếu gần 76.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non có số lượng thiếu lớn nhất là 43.700 giáo viên; tiểu học thiếu gần 19.000 giáo viên. Riêng bậc THCS và THPT có tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Cụ thể, bậc THCS thiếu 10.000 giáo viên nhưng đồng thời thừa 12.000 giáo viên; bậc THPT thiếu trên 3.000 người nhưng một số nơi lại thừa. Trước vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên. Đồng thời, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.  

Theo ông Phạm Hùng Anh, đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình GDPT mới đã được trình lên Chính phủ. Tinh thần của đề án là đáp ứng đủ các phòng học, đồng thời xóa bỏ những phòng học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp, hết niên hạn sử dụng. Ưu tiên cải tạo, bổ sung các phòng học bộ môn, phòng chức năng cho các nhà trường. Cùng với đó, mua sắm, bổ sung các trang thiết bị dạy học cần thiết. Đặc biệt, đề án hướng tới hỗ trợ cho các địa phương là những vùng khó khăn, những vùng hay xảy ra thiên tai.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, để khắc phục tình trạng còn một số lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển mạnh các khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học. Hiện 2 bộ đã tiến hành thống nhất rà soát các địa phương để có phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Vẫn theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngay từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học, gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có cho năm học 2018-2019. Bắt đầu từ năm học này, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành, thay thế cho các chuẩn trước đây. Điều này nhằm giúp bộ có bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ, từ đó có những chỉ đạo và kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Quá tải trường lớp

Thời gian gần đây, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, đã khiến tốc độ gia tăng dân số và tăng dân số cơ học là rất lớn, tạo nên áp lực cho các địa phương về trường lớp, số học sinh/lớp tăng cao so với quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong số các “điểm nóng” về vấn đề sĩ số học sinh trong một lớp học và số lớp của một khối trong trường học, Hà Nội là tiêu biểu nhất. Địa phương này đã đặt ra một kế hoạch dài hơi là trong những năm tới sẽ phải đầu tư xây dựng khoảng 500 trường mới và đến thời điểm này, đã đầu tư xong được khoảng trên 200 trường. Tuy nhiên, tốc độ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất vẫn chậm hơn so với tốc độ gia tăng dân số. Hiện nay, một số trường đang phải tận dụng tất cả những cơ sở vật chất hiện có, dồn phòng làm việc của giáo viên và các phòng làm công tác hành chính để sửa chữa, cải tạo thành phòng học, nhằm đáp ứng về số lớp học. 

Năm học mới 2018-2019: Áp lực từ cơ sở vật chất và đội ngũ ảnh 1 Trường Tiểu học Qui Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM) được đầu tư mới phục vụ năm học 2018-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa tốt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường, lớp; thiếu đất cho xây dựng trường học. Trong khi đó, tại một số địa phương như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An… do ảnh hưởng của mưa lũ, trường học, thiết bị đồ dùng, sách vở bị cuốn trôi, không kịp khắc phục hậu quả để khai giảng năm học mới.
Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT), từ cuối năm 2017, bộ đã yêu cầu các địa phương tổng rà soát lại cơ sở vật chất, thiết bị trường học, xây dựng kế hoạch phương án, trình cấp có thẩm quyền để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị. Để giải quyết được vấn đề thiếu trường, thiếu lớp ở các đô thị lớn, ông Hùng Anh cho rằng trước hết các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch, làm tốt công tác dự báo về tăng trưởng kinh tế - xã hội và dân số. Cùng với đó dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư, tăng cường mở rộng các cơ sở giáo dục, thành lập mới các cơ sở giáo dục.

Tin cùng chuyên mục