Nam Định đứng đầu điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ​

Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Nam Định là 7,047 - xếp thứ nhất toàn quốc. Tiếp đó là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Dương với mức điểm trung bình lần lượt là 7,026 và 7,021. Ninh Bình là địa phương đứng thứ 4 với điểm trung bình là 7 điểm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: QUANG PHÚC
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài ra, các địa phương trong top 10 còn có: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thái Bình. 3 địa phương có điểm tốt nghiệp thấp nhất là: Hà Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông (điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Hà Giang là 5.617 điểm).

Với 6,582 điểm, TPHCM tụt bốn bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ 13. Hà Nội vẫn ở vị trí 25.

Đáng chú ý, Nam Định tiếp tục dẫn đầu toàn quốc khi là địa phương có điểm môn Toán thi tốt nghiệp THPT 2022 với điểm trung bình 7,402 - giữ vững vị trí dẫn đầu về điểm môn Toán của năm ngoái. Bình Dương đứng thứ 2 cả nước với điểm trung bình 7,145.

Với môn tiếng Anh, 6 năm liền, TPHCM đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn Ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT, trong khi đó, Hà Giang vẫn ở nhóm thấp nhất.

Theo nhận định của các chuyên gia tham gia cuộc họp phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 23-7, phổ điểm của các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân năm nay tương tự năm 2021, đặc biệt với môn Sinh học thì phổ điểm hai năm này gần như giống nhau. Cũng như năm 2021, môn Sinh học có số học sinh điểm dưới trung bình khá lớn đến 50,79% cần xét đến tâm lý học sinh ít đầu tư thời gian cho môn học ít tổ hợp xét tuyển đại học (môn Sinh thuộc tổ hợp khối B, vốn có ít thí sinh theo học, với đặc thù chủ yếu dành cho khối ngành y dược, sinh học).

Trong khi đó, phổ điểm môn Lịch sử là thay đổi nhiều nhất. Nếu như năm 2021 đỉnh nghiêng về bên trái thì năm nay đỉnh nghiêng về bên phải - hai phổ điểm như hai hình đối xứng trục. TS Lê Thống nhất cho biết, các chuyên gia đều nhận định điều này có nguyên nhân từ đổi mới cách ra đề: không đi vào những con số chi tiết bắt học sinh phải thuộc mà yêu cầu học sinh nắm những ý nghĩa của sự kiện lịch sử nhiều hơn, đây là dấu hiệu tốt về sự thay đổi sau khi các chuyên gia cũng như dư luận phản ánh. Theo chiều hướng này, các thầy cô sẽ thuận lợi hơn trong việc tạo cho học sinh có hứng thú học tập bộ môn này.

Đặc biệt, dù tiếp tục là môn thi có số thí sinh có điểm dưới trung cao nhất, nhưng phổ điểm môn Ngoại ngữ đã "cải thiện" nhiều hơn năm 2021. Điều này chứng tỏ ngân hàng đề thi được chuẩn hoá tốt hơn. Các chuyên gia cho rằng nếu phân tích phổ điểm ở từng trường, từng khu vực sẽ có thể thấy ở những vùng mà thực tế đòi hỏi ngoại ngữ nhiều hơn (nhiều khu công nghiệp nước ngoài hay khu du lịch có nhiều khách nước ngoài) thì động cơ học ngoại ngữ của học sinh được thúc đẩy mạnh hơn.

Đáng chú ý, việc lệch nhiều giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi ở một số địa phương chưa thay đổi nhiều theo chiều hướng tốt hơn mà vẫn như các năm trước. Năm nay, môn Sinh học là môn có độ lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều nhất. Các chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có những thống kê cụ thể hơn với từng trường THPT ở các Sở GD-ĐT để xem xét việc cho điểm học bạ, nhất là ở những trường có sự chênh lệch quá cao. Đây cũng là cảnh tỉnh cho những trường đại học đang xét điểm học bạ để tuyển sinh. Việc lệch nhiều này cũng cho thấy chúng ta cần kỳ thi này để biết những thực chất của việc dạy và học từng bộ môn ở các trường THPT để có những giải pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn. Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Bình Dương, TPHCM… có tỷ lệ điểm cao ở nhiều môn hơn hẳn các địa phương khác và cũng sát với điểm học bạ. Trong khi một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hoặc ĐBSCL điểm thấp hơn, và có độ chênh khá lớn so với học bạ.

Với 3 điểm 10 tuyệt đối môn toán, lý, hóa, em Nguyễn Ngọc Lễ, lớp 12A6 của Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội) trở thành thủ khoa xét theo tổ hợp A00 và là thủ khoa toàn quốc.
Qua phân tích cụ thể có thể thấy những địa phương lâu nay là “đất học” đã có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao đồng đều ở nhiều môn. Với những địa phương mà điểm trung bình thi tốt nghiệp thấp cần được sự đầu tư tốt hơn để điểm thi trung bình của địa phương giảm khoảng cách với điểm trung bình toàn quốc. Trong giai đoạn quá độ để đổi mới hình thức tuyển sinh đại học thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay phần nào cũng giúp các trường còn phụ thuộc vào kỳ thi này để xét tuyển.

Về phổ điểm tổ hợp của một số khối A, A1, D, B, C năm nay, các chuyên gia cho rằng đã có phổ điểm cho các khoảng chia khác nhau, điểm khác nhau. Với tổ hợp Toán - Lý - Hóa (A), tập trung ở 21 – 26 điểm, những điểm cao trở lên ít hơn, điểm chuẩn khối này có thể cao hơn năm trước. Năm nay khó có nhiều điểm tối đa. Tổ hợp Toán - Anh - Văn (D), tập trung ở 19 – 25 điểm, số học sinh điểm cao trên 28 giảm hơn trước. Tổ hợp Toán - Lý - Anh (A1) tập trung ở 19 – 24 điểm, điểm từ 29 có thấp hơn. Tổ hợp Toán - Hóa - Sinh (B),  dải điểm cao từ 18 – 25, khoảng điểm 28 - 29 ít hơn trước. Tổ hợp Văn - Sử - Địa (C) tập trung nhiều từ 18 – 23 điểm, không  có thí sinh nào cao hơn 29 điểm

GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, với phổ điểm như trên, có thể thấy với nhiều tổ hợp xét tuyển không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyển. Mức phân hóa của đề thi năm nay ổn định cơ bản như 2021. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn cũng giảm đi rõ rệt. Nhưng tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm sẽ không có biến động lớn. Các tổ hợp có Ngoại ngữ sẽ giảm rõ rệt; có môn lịch sử, giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt. Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái. Tổ hợp có môn Lý và Hóa, Địa lý, Giáo dục Công dân có sự tăng nhẹ. Cơ bản sẽ không có sự chênh quá lớn về điểm sàn để xét tuyển so với năm trước.

Tin cùng chuyên mục