“Năm Covid” khó quên của người nước ngoài ở TPHCM

Một năm đầy sóng gió vì thiên tai, dịch bệnh đã chậm rãi trôi qua. Trong khó khăn chung ấy, Việt Nam được đánh giá vẫn là bến đỗ bình yên cho nhiều người nước ngoài, trong khi dịch vẫn đang càn quét khắp nơi.
Ông Ray Kuschert hạnh phúc khi được các học viên tặng quà chúc mừng ngày 20-11. Ảnh: K.G
Ông Ray Kuschert hạnh phúc khi được các học viên tặng quà chúc mừng ngày 20-11. Ảnh: K.G

Một năm đáng nhớ trong đời

Ngồi trong một quán cà phê mới mở gần Pearl Plaza (quận Bình Thạnh, TPHCM), ông Ray Kuschert, giáo viên tiếng Anh và là một freelancer chuyên nghiệp người Australia, đang lên kế hoạch cho khóa học sắp tới mà ông đứng lớp. 7 năm ở Việt Nam, ông chưa bao giờ chứng kiến quãng thời gian nào kỳ lạ như năm qua. Như bao người khác, ông bị mất thu nhập khi trung tâm tiếng Anh đóng cửa trong đợt cao điểm vì dịch Covid-19. Dù vậy, ông cố gắng ở yên một chỗ, chỉ di chuyển ở những nơi mọi người đã quen mặt, biết ông mấy năm nay.

Nhưng đổi thay lớn nhất với Ray có lẽ là… thói quen đeo khẩu trang. Từ trước đến nay, ông không mang nó vì cảm thấy chẳng có tác dụng gì. Vậy mà khi dịch bệnh xảy ra cho tới nay, ông luôn răm rắp mang khẩu trang mỗi khi ra ngoài. Ông cứ buồn cười và kể lại chuyện trong lớp mình, hôm ấy trong giờ học thì một học viên nữ ra ngoài nghe điện thoại. Lúc quay vào, chị này run rẩy, cho biết bạn chị vừa báo tin bạn đã tiếp xúc gần với một người mắc Covid-19. Cả lớp không ai bảo ai vội vàng lôi khẩu trang từ trong giỏ ra đeo vào nhanh như chớp! Ông Ray cũng ngừng đến phòng tập thể dục vì thấy đó là nơi dễ lây truyền virus. Ông chỉ duy trì việc tập thể dục bằng cách chạy bộ và đạp xe. Năm qua, ông đã chạy bộ hơn 1.000km và hồi tháng 11, ông đăng ký thi giải chạy ở quận 2 rồi hoàn thành chặng 21km trong 2 giờ 14 phút. 

Ngoài dạy tiếng Anh, Ông Ray cũng làm việc tại 2 công ty về công nghệ thông tin, hỗ trợ cho họ trong công tác truyền thông, quảng cáo. Ông thường viết quảng cáo cho các bác sĩ và những người khác cần trợ giúp bằng tiếng Anh, làm sơ yếu lý lịch cho người đang tìm việc. Ông đặc biệt yêu thích việc viết lách, đã tham gia viết bài cho cuốn sách Chuyện người Tây ở xứ ta xuất bản năm ngoái. “Tôi đang viết một cuốn sách về cuộc đời mình. Việt Nam và quãng thời gian Covid-19 này đương nhiên sẽ là một phần quan trọng. Giờ đây, tôi cảm thấy mọi thứ đang dần ổn”, Ray nói.

Tôi may mắn vì đã ở lại

Khi dịch bệnh xảy ra làm cả thế giới hoảng hốt, câu hỏi đặt ra với nhiều người là “Ở lại Việt Nam hay mau chóng về nước?”. Nhiều người đã về nước, nhưng không ít người chọn ở lại. Họ nằm trong số khoảng 60.000 người nước ngoài đang cư trú tại TPHCM hiện nay - con số chỉ bằng khoảng 50% so với những năm trước.

Ông Chubby Vinaltino (người Singapore) hiện là giáo viên cho một trung tâm Anh ngữ tại TPHCM. Những ngày đầu năm 2020, khi Việt Nam ghi nhận một số ca bệnh đầu tiên, Vinaltino thoáng nghĩ đến chuyện về nước. Cuối cùng, ông chọn ở lại, một phần nghĩ mọi người nên ở yên một chỗ sẽ tốt hơn. Đến nay, ông thấy quyết định này của mình là chính xác. Ông Vinaltino nhận xét, khả năng phòng chống dịch ở Việt Nam hiệu quả hơn nhiều nước. Nhưng điều khiến ông cảm động là tình cảm mà mọi người ở đây dành cho nhau. Đó là người chủ nhà đã chủ động giảm giá thuê. Nhiều người góp tiền, lương thực để hỗ trợ cho những người khó khăn. Ông càng ấn tượng với mô hình ATM gạo, ATM khẩu trang mà người TPHCM đã sáng tạo ra để hỗ trợ nhau. “Mọi thứ, mọi người ở Việt Nam đều rất tuyệt, tôi nhận được nhiều giúp đỡ như thể họ xem tôi là một phần của cộng đồng”, ông Vinaltino chia sẻ. 

Những lúc cao điểm dịch bệnh, các cơ sở giáo dục ở TPHCM bắt đầu dừng hoạt động. Ông Vinaltino cũng như nhiều giáo viên nước ngoài khác chịu mất giờ dạy trong nhiều tuần. Cuộc sống trở nên khó khăn do nguồn thu ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào giảng dạy, song ông hiểu đó là khó khăn chung, nên cố gắng xoay xở bằng cách tìm kiếm chương trình dạy online và dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện sức khỏe chống dịch. Ngay sau khi tình hình dần trở lại bình thường, trung tâm bắt đầu gọi xếp lịch lại cho ông Vinaltino. Số tiết dạy chưa như trước, nhưng ông cho biết mình quý từng tiết dạy được sắp xếp. Bởi vì hơn cả công việc, đó là tình cảm của người Việt Nam dành cho ông để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Cũng là một giáo viên, cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế khi dịch bệnh xảy ra, nhưng ông Raphael Galuz (người Pháp) vẫn luôn cảm thấy may mắn vì đã ở lại Việt Nam năm qua. “Cuộc sống của tôi có thể sẽ tệ hơn nếu tôi trở về Pháp”, ông Raphael mở đầu câu chuyện. Ở quê hương ông, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Pháp và nhiều nước châu Âu đang phải lockdown lần nữa do số ca mắc Covid-19 tăng lên chóng mặt, gây nên cái chết cho hàng ngàn người. Cha ông Raphael cũng mắc Covid-19. 

Ông đặc biệt quan tâm đến các ca bệnh mới ở Việt Nam, lo lắng về việc trường học sẽ lần nữa phải đóng cửa. Nhưng ông có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam là một trong những quốc gia phòng chống dịch tốt nhất thế giới. Khi ông kể về cuộc sống của mình ở đây, bạn bè và người thân của ông ở Pháp nói rằng họ không tin Việt Nam đã làm tốt như thế. Ông nói với họ, bằng chính những gì ông chứng kiến và trải qua, người Việt Nam có niềm tin mạnh mẽ vào Chính phủ trong công cuộc phòng chống dịch bệnh và đã làm rất tốt.

Ông GREGORY DOLEZAL, người Mỹ, Phó Giám đốc Chương trình đào tạo Hoa Sen Plus:

Mong sức khỏe tốt và gặp lại người thân

Năm 2020 quả là một thử thách với tất cả mọi người, trong đó có tôi. Một số người bạn thân của tôi bị mắc Covid-19 và phải chịu đựng những vấn đề sức khỏe. Sau tất cả, mẹ tôi bị ung thư. Trong điều kiện dịch bệnh, thật khó khăn khi mà tất cả các bệnh viện ở Mỹ đều chật cứng và quá tải. Tôi may mắn khi ở đây, với một vị trí công việc và mức lương đảm bảo. Việt Nam là một điển hình cho thế giới về việc kiểm soát dịch bệnh. Tôi thật may mắn! Bước sang năm 2021, điều tôi mong muốn nhất chính là có sức khỏe tốt và được gặp lại những người thân yêu của mình. Vì dịch bệnh, hơn 1 năm qua tôi không gặp con gái đang ở Lào. 

Tin cùng chuyên mục