Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo

Ngày 20-10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội. 


Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thọ Truyền cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12, các cấp ủy ngày càng nhận thức rõ hơn về hiệu quả của kênh thông tin dư luận xã hội. Trước các vấn đề có sự ảnh hưởng, tác động lớn đến nhiều thành phần dân cư, cấp ủy địa phương, đơn vị luôn đặt ra yêu cầu về việc nắm tình hình dư luận xã hội, thậm chí tổ chức các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội nhằm có những căn cứ số liệu khoa học khách quan phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo ảnh 1 Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê trao tặng bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chính sự chuyển biến trong nhận thức này đã tạo điều kiện và tiền đề cho công tác dư luận xã hội trên toàn địa bàn thành phố từng bước được nâng chất. Bên cạnh đó, công tác nắm bắt, tổng hợp, phản ánh tình hình dư luận được đổi mới, nâng chất, đặc biệt chú trọng những chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng đối với Nhân dân và đời sống xã hội.

Để việc nắm thông tin được đa dạng, thu thập nhiều ý kiến từ các giới, các ngành khác nhau, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu, tổ chức giao ban chuyên đề trong từng giới như công nhân, thanh niên, trí thức, hưu trí, tiểu thương, cán bộ khu phố, tổ dân phố; nhân viên y tế các trạm y tế phường, xã, thị trấn... thành phần tham dự đại diện cho một giới, ngành cụ thể, nội dung mỗi quý được lên kế hoạch ngay từ đầu năm.

Ban Tuyên giáo quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã chủ động tham mưu nhiều hình thức nắm bắt, thu thập thông tin dư luận xã hội, trong đó quận 5, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, Hội Liên hiệp phụ nữ TP... đã có rất nhiều hình thức linh hoạt để gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe, nắm bắt dư luận xã hội. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức giao ban giúp thu thập thông tin ngày càng nhiều và chất lượng hơn, nâng chất các báo cáo định kỳ, đề xuất nhiều giải pháp kịp thời đáp ứng dư luận xã hội.

Trung bình mỗi năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thực hiện từ 7 đến 10 cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội bằng phiếu xin ý kiến. Ngoài ra khi có những vấn đề phát sinh, sẽ có những cuộc khảo sát nhanh, khảo sát qua mạng. Quy trình khảo sát đảm bảo tính khoa học, số liệu thu về xử lý bằng phần mềm chuyên dụng.

Sau khi Chỉ thị số 12 được ban hành, công tác điều tra, thăm dò dư luận xã hội càng được chú trọng thực hiện, quy mô và số lượng phiếu của mỗi cuộc tăng lên; phương pháp tổ chức thực hiện ngày một chặt chế, khoa học... Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, việc ứng dụng hình thức khảo sát nhanh qua mạng đã phát huy hiệu quả, nhanh chóng và kịp thời đối với các vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã trình bày các tham luận, trong đó chia sẻ kinh nghiệm nắm bắt dư luận xã hội trong thực hiện các công trình dự án trọng điểm; dư luận trong giới trí thức, tôn giáo…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá TPHCM đã thực hiện công tác nắm bắt dư luận xã hội rất hiệu quả. Theo đồng chí, thời gian tới công tác này sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nếu không đổi mới sẽ trở nên lạc hậu.

Từ đó, đồng chí Đỗ Thị Thanh Hà đề xuất Thành ủy TPHCM quan tâm đầu tư nguồn lực để đào tạo chuyên sâu về công tác dư luận xã hội. Đồng thời quan tâm áp dụng các kết quả thăm dò dư luận xã hội trong điều hành quản lý. Bên cạnh đó, cần đặt ra yêu cầu cao hơn về các hình thức, phương pháp nắm bắt dư luận xã hội.

Đồng chí nêu rõ: “Các phương pháp điều tra cổ điển như qua phiếu, ở Mỹ đã không còn sử dụng từ những năm 70 rồi nhưng đến nay chúng ta vẫn sử dụng. Dịch Covid-19 đã cho thấy hình thức điều tra xã hội trực tuyến rất hiệu quả, TPHCM cũng là đơn vị đi đầu”.

Tình hình thế giới rất rành, tình hình nội bộ thì “ú ớ”

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là nội dung rất quan trọng của cả hệ thống chính trị. Bởi nếu không hiểu được đối tượng cần tác động, suy nghĩ tình cảm, trách nhiệm của từng nhóm tiếp cận, vận động tuyên truyền thì làm việc sẽ kém hiệu quả.

Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo ảnh 2 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực thực hiện công tác này, với nhiều điểm sáng, tích cực, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Đã có nhiều mô hình, cách làm tích cực, qua các nghiên cứu đã có cơ sở dữ liệu tốt, mang tính thuyết phục cao, để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Dù vậy, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhìn nhận, có những vấn đề xã hội rất quan tâm, nhưng người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội cũng chưa nắm chắc. Điều đó chứng tỏ chưa có kênh nắm bắt kịp thời, mà đã đi sau thì sẽ không hiệu quả. Hoặc có những việc nắm không sâu, lớp thông tin dữ liệu rất nông, biết rằng có việc đó nhưng nó liên quan tới ai, tác động ra sao thì “ú ớ”. Nên trong quá trình lãnh đạo điều hành, theo đồng chí cần nắm được, hiểu được bản chất vấn đề để giải quyết vấn đề.
Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo ảnh 3
Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo ảnh 4 Phó bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Hiếu trao tặng bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Nếu quá trình xử lý, nắm vấn đề mà không có giải pháp xử lý kịp thời, thì dư luận treo lơ lửng, càng ngày càng diễn biến phức tạp và tiêu cực, tác động rộng lớn hơn và giải quyết khó khăn hơn. Đây là quá trình biện chứng, nếu nắm bắt nhanh, hiểu sâu thì giải quyết nhanh”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Đồng chí nêu kinh nghiệm, nơi nào làm tốt chu trình này, từ nắm bắt, nghiên cứu tổng hợp, phân tích đánh giá cho đến tham mưu đề xuất, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, làm thường xuyên liên tục, không bỏ qua bước nào, thì những kết quả thu được rất khoa học, phục vụ tốt cho chỉ đạo điều hành, tránh phát sinh các thông tin trái chiều.

Nắm bắt dư luận xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành tuyên giáo ảnh 5 Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê trao tặng bằng khen cho các đơn vị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để tăng cường hiệu quả công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh cần nhận thức đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của riêng ngành tuyên giáo. Theo đồng chí, người đứng đầu phải luôn coi trọng công tác này: “Ban hành chính sách thì phải biết chính sách đã xuống đến người dân chưa, người dân chấp nhận, đồng thuận ra sao. Ở một thành phố lớn như TPHCM, mỗi chính sách ban hành ra đều có tác động đến hàng triệu người. Phải tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm trong nắm bắt, nghiên cứu xử lý dư luận xã hội”.

Theo đồng chí, khái niệm “xã hội” không chỉ là khái niệm rộng lớn, mà còn là không gian nơi mình đang lãnh đạo quản lý, cần nghiên cứu thấu đáo. Đồng chí nêu điều này bởi có những khi tình hình thế giới rất rành, nhưng tình hình ở ngay cơ quan đơn vị mình thì không nắm được. Do vậy, phải hiểu sâu những vấn đề căn cơ, giúp cơ quan đơn vị mình ổn định, phát triển.

Để nâng cao chất lượng công tác điều tra nắm bắt dư luận xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, những chủ trương chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hay nhóm đối tượng nào đó, thì cần phải khảo sát, nắm bắt. Theo đồng chí, rất khó để khi một chính sách ra đời được sự đồng thuận của tất cả mọi người dân, nhưng mục tiêu là càng nhiều người hưởng ứng, đồng thuận thì càng tốt.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu văn bản để Thành ủy TPHCM chỉ đạo sát sườn hơn công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội thời gian tới. Trong đó cần đề cập sâu hơn trách nhiệm của các cấp, nhất là các cấp chính quyền trong việc sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, thông qua nắm bắt phải định hướng dư luận, nhất là những vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên, nhân dân. “Thời gian qua, khi có sự cố về thông tin, nếu người có trách nhiệm, cơ quan chức năng ra thông tin chính thống, kịp thời thì sẽ tạo được dư luận và sự đồng thuận tốt. Nếu không thì tạo độ trễ thông tin, khiến thông tin xấu độc có cơ hội lan tràn. Đó là một bài học quan trọng”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Đồng chí đồng tình với việc cần tăng cường, củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội. Đồng chí cũng khẳng định sự ủng hộ với chính sách bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này. Trong bối cảnh xã hội số, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội là khách quan, nếu không sẽ dẫn đến sự tụt hậu ngày càng xa.

Dịp này, Thành ủy TPHCM đã tặng bằng khen cho 56 tập thể và 55 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 12.

Tin cùng chuyên mục