Nắm bắt cơ hội

Những năm qua, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã có nhiều chủ trương, chính sách thu hút, phát huy sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mới đây nhất, UBND TPHCM đã hoàn thành và lấy ý kiến rộng rãi Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025, nhằm đáp ứng Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Hay trước đó, từ năm 2014, TPHCM đã đưa ra mức lương 150 triệu đồng/tháng với nhân tài. 

Thực tế, đã có những kết quả được tạo ra từ cú hích “chính sách”. Không chỉ những chuyên gia đầu ngành, có thành tích ở nước ngoài, mà nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trẻ có trình độ, kỹ năng cũng đã về tham gia công tác, hỗ trợ nghiên cứu ở các đơn vị của TP. Tại buổi gặp gỡ giữa hơn 100 nhà khoa học Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài với lãnh đạo TPHCM diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đã chia sẻ quan điểm phát triển cũng như kinh nghiệm giúp TPHCM tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt ứng dụng thành công vào đề án xây dựng thành phố thông minh; bày tỏ sẵn sàng giúp TPHCM kết nối với các môi trường công nghệ tiên tiến trên thế giới; cùng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. 

Song, dưới cái nhìn của các trí thức Việt kiều, những chính sách thu hút nhân tài sắp tới cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Nhất là khi Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), với riêng TPHCM là chủ trương xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các vấn đề TP đang gặp phải. Theo ý kiến của TS Hoàng Thế Bân (Việt kiều Nhật, hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật) nêu tại cuộc gặp gỡ nói trên, trong 10 năm tới, Việt Nam cần phát triển lĩnh vực nào, con người như thế nào, chúng ta cần đầu tư xây dựng chiến lược phát triển cụ thể và dựa vào đó mới kêu gọi đúng người đúng việc về giúp cho đất nước phát triển. Với trải nghiệm cá nhân, TS Hoàng Thế Bân khẳng định lại, ở Việt Nam không chỉ có CMCN 4.0 là những công việc trong tương lai, mà còn có rất nhiều việc cần phải làm. “Tất cả các bạn có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài khi trở về Việt Nam chắc chắn sẽ có rất nhiều việc để giúp cho đất nước phát triển. Chẳng hạn, các bạn có thể giúp đỡ cho những bạn trẻ khởi nghiệp, hay giúp cho doanh nghiệp Việt biết được công nghệ nước ngoài, đặc biệt làm sao chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam”, ông Bân nhận định.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho rằng SHTP nhiều năm qua đã là “ngôi nhà” làm việc và nghiên cứu của nhiều trí thức Việt kiều. Hiện nay, SHTP được lãnh đạo TP giao 4 nhiệm vụ quan trọng phát triển ngành vi mạch bán dẫn cũng như các nhiệm vụ khác cho đề án đô thị thông minh, sẽ tiếp tục là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia thực hiện. Chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho hay ở 2 khu công nghệ cao Hòa Lạc và TPHCM, hiện còn rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ trở về nước làm việc. Theo Thứ trưởng, tuổi trung bình để khởi nghiệp là 40, còn ở Việt Nam, mọi người đang lầm tưởng người khởi nghiệp là sinh viên. Thực tế ở các nước không có sinh viên là startup, nếu có thì rất hiếm. Startup ít nhất là tiến sĩ về KH-CN hoặc người đi làm có kinh nghiệm. Thứ trưởng mong muốn trong 100 chuyên gia công nghệ người Việt về nước lần này và nhiều người khác đang công tác ở nước ngoài sẽ mạnh dạn về làm startup ở vườn ươm khu công nghệ cao. 

Thống kê của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, cho thấy trong số gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, ước tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao. Do đó, các ý kiến đề xuất cách làm hiệu quả nhất cho Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, là nên chọn ra những dự án cụ thể để thu hút sự tham gia của Việt kiều, nhằm phát huy tối đa năng lực và sự đóng góp.

Tin cùng chuyên mục