Năm “bận rộn” của bảo tàng Paris

Sự kiện nổi bật hàng đầu, được giới truyền thông đặc biệt quan tâm, là ngày khánh thành Bảo tàng Fondation Pinault vào tháng 6 tới. Bảo tàng này được đặt tại một tòa nhà đồ sộ, vốn là Sở Giao dịch thương mại xây dựng từ thế kỷ thứ 18.
Khuôn viên bên ngoài tòa nhà đặt Bảo tàng Fondation Pinault
Khuôn viên bên ngoài tòa nhà đặt Bảo tàng Fondation Pinault

Đây là dự án đầy tham vọng do tỷ phú Francois Pinault tài trợ. Bảo tàng nghệ thuật đương đại này, đồng thời là một trung tâm văn hóa, đã được kiến trúc sư Nhật Bản Tadao Ando thiết kế, để tạo một không gian trưng bày hoành tráng, xứng đáng với bộ sưu tập khổng lồ do tỷ phú người Pháp dày công sưu tầm từ nhiều thập niên qua.

Giới phê bình nghệ thuật cho rằng, một khi được khai trương, Bảo tàng Fondation Pinault sẽ cạnh tranh trực tiếp với Bảo tàng Fondation Louis Vuitton của tỷ phú Bernard Arnault. Bảo tàng Fondation Louis Vuitton nằm ở vùng ngoại ô phía Tây gần Paris; trong khi Bảo tàng Fondation Pinault nằm ngay trung tâm Paris, để giành ưu thế trong cuộc chạy đua giữa 2 bảo tàng có nhiều uy tín.

Một dự án có tầm cỡ khác đó là kế hoạch khởi công xây dựng Bảo tàng Đại thế kỷ. Theo dự kiến, tòa nhà lớn hình chữ L có tên là Doanh trại Sully (trước kia được dành cho đoàn kỵ binh của nhà vua) nằm ven bờ sông Seine, ở vùng Saint-Cloud, sẽ được sửa chữa để biến thành một viện bảo tàng dành riêng cho thế kỷ 17 và đồng thời trưng bày bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Pierre Rosenberg, chuyên gia về trường phái hội họa Pháp thế kỷ 17 và 18.

Các bảo tàng cổ kính đã phải đóng cửa trùng tu trong vài năm qua có Bảo tàng Carnavalet, chuyên về lịch sử Paris, Bảo tàng nghệ thuật thời trang Palais Galliera, phòng triển lãm của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) trên đường Richelieu, Bảo tàng Victor Hugo tại quảng trường Place des Vosges.

Các địa điểm này đều mở cửa trở lại kể từ đầu năm 2020, với các không gian triển lãm được mở rộng, nâng cấp cùng nhiều ứng dụng công nghệ mới. Cũng vào mùa hè năm 2020, Hotel de la Marine, thời xưa là cơ quan hành chính của Bộ Hải quân, tọa lạc ngay trên quảng trường Concorde, sau gần 4 năm trùng tu, sẽ mở cửa trở lại, dưới dạng một bảo tàng dành các bộ sưu tập nghệ thuật của Hoàng gia Al Thani trị vì Qatar.

Sự kiện Paris mở thêm bảo tàng và phòng triển lãm (dù là công hay tư) cho thấy sức hấp dẫn của thủ đô Pháp trên lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, mức độ tập trung các tụ điểm văn hóa có trọng lượng về cùng một chỗ lại tạo ra tình trạng mất cân xứng so với các tỉnh, thành lân cận, cũng như các vùng miền xa.

Theo bà Célia Vérot, Giám đốc Điều hành Quỹ Bảo vệ di sản kiến trúc, các dinh thự đền đài lịch sử được sửa lại thành những viện bảo tàng là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, nên đầu tư vào việc làm sống lại các nhà hát, các bảo tàng gia đình, các biệt thự thời xưa của giới văn nghệ sĩ ở ngoài khu vực trung tâm Paris. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế cũng như tạo thêm công ăn việc làm tại những nơi có nhu cầu. Các hiệp hội bảo vệ di sản luôn ủng hộ sự phát triển cũng như thúc đẩy các dự án tại những vùng có nhiều tiềm năng nhưng lại ít được khai thác hay bị bỏ quên.

Đến nay, để tạo thế đối trọng với Paris và cân bằng lại mức chênh lệch quá lớn giữa thủ đô và các tỉnh, thành, nhiều dự án quan trọng như Trung tâm Văn hóa Pompidou-Metz, Bảo tàng Louvre-Lens và gần đây là Trung tâm Nghiên cứu Louvre-Lievin (ở vùng Pas-de-Calais)... đã lần lượt ra đời.

Tin cùng chuyên mục