Năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết có thể cao nhất trong vòng 25 năm qua

Ngày 23-9, Viện Pasteur tổ chức Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue vì sức khỏe cộng đồng”. Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có thể cao nhất trong vòng 25 năm qua, đã và đang đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế.

Theo BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc SXH, trong đó có 87 trường hợp tử vong.

Đa số ca mắc SXH xảy ra ở các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân là do sự biến đổi khí hậu, giao thương đi lại và đô thị hóa thiếu kiểm soát. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, số ca mắc SXH rất thấp bởi lúc này xảy ra đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, năm 2022, SXH bùng phát trở lại, số ca mắc chỉ thấp hơn năm 1998 – năm dịch bệnh SXH hoành hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư không ổn định, nhất là thiếu đầu tư nguồn lực cho phòng ngừa chủ động và những biến động về nhân sự phòng chống dịch cũng là những nguyên nhân khiến cho dịch bệnh SXH bùng phát nhanh.

Còn theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, do dự báo năm 2022 dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao nên UBND TPHCM, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng để chủ động công tác chống dịch SXH.

Bệnh viện đã triển khai mở rộng thêm khu điều trị, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men để thu dung bệnh nhân sốt xuất huyết và điều trị các ca nặng. Trong thời gian qua, đơn vị này đã thu dung điều trị và cứu sống thành công nhiều trường hợp mắc SXH nặng.

Trong phòng chống SXH, điều quan trọng là giảm số ca mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Để giảm tỷ lệ tử vong, cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn và chuyển viện an toàn.

"Yếu tố quan trọng nhất để giảm tử vong do SXH là tăng cường năng lực điều trị của bác sĩ, điều dưỡng ở tất cả các tuyến trong hệ thống y tế. Đồng thời, tăng cường hội chẩn chuyên môn trong bệnh viện và hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên để điều trị hiệu quả các trường hợp nặng", PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng thông tin.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thái Lan và Việt Nam đã tham gia thảo luận và cùng thống nhất quan điểm, công tác phòng chống dịch bệnh SXH rất cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp cũng như sự chung tay của nhiều đơn vị, cơ quan.

Trong đó, cần có chính sách huy động, phối hợp liên ngành, đồng thời tuyên truyền để người dân cùng tham gia vào công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi… Các đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian tới rất cần những công cụ mới để phòng, chống SXH hiệu quả hơn như: phát triển vaccine phòng sốt xuất huyết, thả muỗi mang Wolbachia, muỗi đột biến gen ra cộng đồng….

Tin cùng chuyên mục