Năm 2022, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Đến năm 2022, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, hình thành không gian kinh tế hợp lý, mở rộng không gian phát triển… Đó là những nội dung đáng lưu ý trong dự thảo kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra trong phiên họp chiều 29-9.

Trước đó, khái quát lại kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đã có 17/22 mục tiêu đã được hoàn thành, góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Theo đó, kế hoạch mới đề ra mục tiêu chung là cơ cấu lại không gian kinh tế hợp lý, mở rộng không gian phát triển; thúc đẩy liên kết vùng, đô thị - nông thôn nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô, khai thác thế mạnh của các vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa; nâng cao vai trò đổi mới sáng tạo của các trung tâm, đô thị lớn; phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước. Đến năm 2022, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, hình thành cơ cấu lại không gian kinh tế hợp lý, mở rộng không gian phát triển…

Thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, đô thị - nông thôn nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô, khai thác thế mạnh của các vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa, hình thành liên kết và nâng cấp chuỗi giá trị, giải quyết các vấn đề chung của vùng.

Nâng cao vai trò đổi mới sáng tạo của các trung tâm, đô thị lớn; phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng và tính lan tỏa của các vùng kinh tế trọng điểm cũng là mục tiêu được xác định tại kế hoạch.

Sau khi hoàn thiện, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai khai mạc ngày 20-10 tới đây.

Tin cùng chuyên mục