Năm 2020, phải nâng chuẩn đầu vào đại học

Chiều 13-2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại  học năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020. Tham dự có đại điện các Sở GD-ĐT, các trường đại học và các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị tuyển sinh chiều 13-2
Quang cảnh hội nghị tuyển sinh chiều 13-2

Báo cáo công tác tuyển sinh do Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày cho thấy mỗi năm có khoảng hơn 900.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển đại học với 2,5 triệu lượt nguyện vọng; trên 40% thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Những con số này tương đối ổn định trong 3 năm trở lại đây.

Kết quả tuyển sinh 2019 cho thấy, chỉ khoảng 64% thí sinh trúng tuyển nhập học.

Một số ngành tuyển sinh khó khăn do không có sự hấp dẫn với xã hội như nông lâm thủy sản, khoa học tự nhiên, môi trường, dịch vụ xã hội, khoa học sự sống.. đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhà nước, ví dụ chính sách đặt hàng đào tạo.

Theo bà Kim Phụng, kết quả đạt được của tuyển sinh 3 năm qua cho thấy quy chế tuyển sinh ngày càng hoàn thiện, ít thay đổi, ứng dụng công nghệ tốt hơn, giúp cho các trường chủ động hơn trong tuyển sinh. Quyền tự chủ tuyển sinh tốt hơn, tuyển sinh theo nhóm ổn định hơn, có sự phối hợp tốt trong hệ thống; điểm đầu vào ngày càng cao hơn, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường; riêng điểm đầu vào của ngành y và sư phạm do Bộ GD-ĐT xác định.

Tuy nhiên còn hạn chế là một số tổ hợp đào tạo không phù hợp, đòi hỏi năm nay phải kiên quyết khắc phục tình trạng này. Điểm đầu vào của một số ngành thấp, dù các trường được tự chủ nhưng mục tiêu là không được hạ thấp chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là trừ một số ngành khó tuyển sinh, còn lại đầu vào phải bảo đảm để nâng cao chất lượng đào tạo. Hạn chế tình trạng một số ngành tuyển sinh chỉ tuyển được một số thí sinh, không mở được gây thiệt thòi quyền lợi thí sinh.. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng yêu cầu công tác công tác nhập liệu tuyển sinh phải chính xác, không gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

Với thực tế chỉ khoảng 64% thí sinh trúng tuyển nhập học, bà Kim Phụng cho rằng một phần nguyên nhân là do thí sinh không có nhu cầu học đại học nhưng trường vẫn tư vấn các em đăng ký xét tuyển để nâng cao thành tích của trường phổ thông. Bộ GD-ĐT đề nghị hạn chế tình trạng này.

Năm 2020, phải nâng chuẩn đầu vào đại học ảnh 1 Bộ trưởng Bô GD-ĐT phát biểu

Về tuyển sinh 2020, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2020. Nét mới là do yêu cầu nâng chuẩn giáo viên nên không giao chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trừ giáo dục mầm non. Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học mới được mở ngành trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. Bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực du lịch/CNTT tại các trường có khoá tuyển sinh đại học thứ 2 trở đi; giáo viên thỉnh giảng là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có từ 3 hoặc 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo; tổng số giáo viên thỉnh giảng tối đa = 40% tổng giáo viên cơ hữu

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường. Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này. Quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học....

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh dù toàn ngành đang tập trung chống dịch nhưng vẫn phải triển khai các nhiệm vụ khác. Năm 2019, ngành giáo dục đã tổ chức kỳ tuyển sinh thành công. Kế thừa thành công của năm 2019, ngành giáo dục triển khai tuyển sinh năm 2020 với tinh thần khắc phục những tồn tại của tuyển sinh năm 2019 như: một số trường công bố mã ngành tuyển sinh chưa phù hợp gây bức xúc xã hội; điểm đầu vào của một số ngành đào tạo còn thấp... Năm 2020, phải nâng chuẩn đầu vào, các mã ngành đào tạo phải có sơ sở khoa học và thực tiễn, nếu đưa ra nhiều ngành đào tạo mới mà không gắn với nhu cầu thị trường thì không được.

Theo Bộ trưởng, Quy chế tuyển sinh 2020 có một số thay đổi nhất định mà Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến xã hội, tinh thần là giữ ổn định tuyển sinh trong giai đoạn 2020. Từ 2021 đến những năm tiếp theo thì Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT và tự chủ tuyển sinh đại học. Dù tự chủ tuyển sinh, nhưng việc xét tuyển vẫn sẽ có kết hợp với kết quả kỳ thi THPT quốc gia, do đó các trường cần có phương án xét tuyển phù hợp với các mã ngành đào tạo đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học và nhà trường phổ thông để nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Tin cùng chuyên mục