Năm 2019, xuất khẩu tôm đặt mục tiêu trên 4,2 tỷ USD

Mặc dù ngành tôm có tăng trưởng (năm 2018 tăng 3% về diện tích và tăng 6,3% về sản lượng), thế nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ và hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức.

Ngày 13-3, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019” tại Sóc Trăng.

Báo cáo từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 đạt trên 736.000 ha (tăng 3% so với năm 2017). Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú đạt 632.000 ha (tăng 3,2%), diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 104.000 ha (tăng 1,4%). Các tỉnh có diện tích thả nuôi tăng gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng...

Theo đó, sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2018 đạt trên 762.000 tấn (tăng 6,3% so với năm 2017), trong đó sản lượng tôm sú đạt 298.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 464.000 tấn.

Giá trị xuất khẩu ngành tôm Việt Nam đang giảm mạnh

Từ báo cáo cho thấy, ngành tôm năm 2018 có tăng trưởng mạnh (tăng 3% về diện tích và tăng 6,3% về sản lượng so với năm 2017). Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam chỉ đạt giá trị xuất khẩu chưa tới 3,6 tỷ USD (giảm 7,8% so với cùng kỳ).

Đến nay, con tôm Việt vẫn chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia,.. Một số thị trường xuất khẩu chính bị giảm như: EU giảm 2,8%, Mỹ giảm 3,3%, Nhật Bản giảm 9,2%, Đài Loan giảm 2,6%, Trung Quốc và Hồng Kông giảm 28%.

Tại hội nghị, một số tồn tại, thách thức đối với ngành tôm Việt Nam đã được chỉ ra. Trong đó, hiện nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn đang phải nhập khẩu từ 200.000 - 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại).

Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao hơn các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia... Nguyên nhân chính là do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (chiếm khoảng 65-70%).

Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ. Từ đó, đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá, chương trình SIMP của Mỹ, giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp. Đồng thời các thị trường tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm như thị trường Hoa Kỳ, EU, Ả Rập, Hàn Quốc...

Tổng cục Thủy sản đặt ra mục tiêu phấn đấu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu  4,2 tỷ USD trong năm 2019. Theo đó, sẽ duy trì diện tích nuôi hiện có, sản lượng đạt 780.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 300.000 tấn và 480.000 tấn tôm thẻ.

Tin cùng chuyên mục