Năm 2019, NHNN đưa ra thị trường 500.000 tỷ đồng

Sáng ngày 2-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020. Đến dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Toàn cảnh hội nghị ngành ngân hàng sáng ngày 2-1
Toàn cảnh hội nghị ngành ngân hàng sáng ngày 2-1
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, năm 2019, ngành ngân hàng có kết quả kinh doanh thuận lợi là nhờ Chính phủ kiên định, nhất quán trong việc hoạch định thực thi chính sách vĩ mô và chủ động, linh hoạt điều hành sát với thực tế, thích ứng với diễn biến của thế giới. Do vậy, kinh tế vĩ mô đã được giữ ổn định, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế cao như vừa qua.
“Đây là vấn đề then chốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Nhờ đó, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào việc hoạch định, thực thi chính sách ngày càng tăng”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Về điều hành chính sách tiền tệ, theo ông Lê Minh Hưng, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Năm 2019, NHNN đã đưa xấp xỉ 500.000 tỷ đồng vào nền kinh tế và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hơn 1 triệu tỷ đồng, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát (trong đó, lạm phát cơ bản tăng khoảng 1,4-2%).

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức hợp lý. Tính đến hết năm 2019, tín dụng tăng xấp xỉ 14%, tương ứng cung ứng 8,2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Quy mô vốn cung ứng lớn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng, thể hiện qua việc: giai đoạn năm 2001-2010 tín dụng tăng 30% nhưng tăng trưởng GDP bình quân 6,82% (gấp 4,4 lần so với GDP), riêng năm 2007 tín dụng tăng trưởng 5,3 lần so với tăng trưởng GDP…

Riêng năm 2018-2019, tăng trưởng tín dụng tăng chưa đến 2 lần so với tăng trưởng GDP. Điều đó chứng tỏ hiệu quả tín dụng được tăng cường và góp phần giúp tăng trưởng GDP tăng cao đi kèm với chất lượng.

Về lãi suất, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo, do đó, áp lực lên nguồn vốn thường xuyên cao nhưng NHNN vẫn điều hành, kiểm soát ổn định lãi suất, khi điều kiện thị trường cho phép thì giảm. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm còn 6%, từ đó góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN đã điều hành linh hoạt, ổn định, phù hợp với thị trường, chính sách vĩ mô của Chính phủ và đã tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục. Cho đến nay, dự trữ ngoại hối đã đạt gần 80 tỷ USD, tạo tấm đệm lớn cho tài chính quốc gia, củng cố niềm tin của nhà đầu tư về năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN.

Về nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, ước cuối năm 2019 là 4,59%, thấp hơn tỷ lệ 10,08% khi báo cáo Chính phủ đầu nhiệm kỳ. “Năm tới sẽ quyết tâm đưa nợ xấu về dưới 3%”, ông Hưng nói.

Theo tính toán của NHNN, từ 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 305.700 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng), tính trung bình, mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được khoảng 10.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của NHNN, mục tiêu năm 2020 là tổng phương tiện thanh toán tăng 14%, tín dụng 13%.

Tin cùng chuyên mục