Mỹ và Iran lại xung đột trên biển

Lầu Năm Góc xác nhận, một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 10-5 đã bắn cảnh cáo sau khi có 13 tàu của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) áp sát tàu này và 6 tàu hải quân khác của Mỹ tại eo biển Hormuz.

Lần nổ súng thứ hai trong tháng

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, 13 tàu của IRGC đã tiếp cận 7 tàu của Mỹ với tốc độ cao ở khoảng cách 140m. Một trong 7 tàu trên của Mỹ đã bắn 30 phát đạn cảnh cáo. Sau đó, các tàu của Iran đã rời đi.

AP dẫn lời ông John Kirby nói: “Sự quấy rối của Hải quân IRGC không phải là hiện tượng mới. Đó là điều mà tất cả sĩ quan chỉ huy và thủy thủ đoàn của chúng tôi đều được đào tạo để xử lý”.

Theo ông Kirby, đây là hoạt động có thể gây thương vong và có thể dẫn đến một tính toán sai lầm thực sự trong khu vực và điều đó không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai. Ông Kirby cũng cho biết, sự việc xảy ra khi các tàu Hải quân Mỹ, trong đó có tàu tuần dương trang bị tên lửa hành trình USS Monterey, đang hộ tống tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Georgia đi qua eo biển Hormuz hôm 10-5.

Mỹ và Iran lại xung đột trên biển ảnh 1 Tàu Iran áp sát tàu Hải quân Mỹ hôm 10-5

“Họ đã hành động rất hung hăng”, ông Kirby khẳng định trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc. Một ngày trước đó, tàu USS Monterey đã chặn một chuyến hàng vũ khí trên một con tàu ở biển Arab dường như đang hướng đến Yemen, nơi có phiến quân Houthi được Iran hỗ trợ.

Đây là lần thứ 3 trong hơn một tháng qua, tàu quân sự của Mỹ và Iran đi sát nhau, trong đó có 2 lần tàu Mỹ bắn cảnh báo khi nhận thấy hành vi được cho là “không an toàn” của tàu Iran. 

Hồi tháng 4, một tàu quân sự Mỹ đã nổ súng cảnh cáo sau khi 3 tàu của IRGC áp sát tàu này và một tàu tuần tra khác của Mỹ trên vùng biển quốc tế ở phía Bắc vùng Vịnh. Ông John Kirby từng tuyên bố, Mỹ luôn cố gắng tránh có sai sót khi giải quyết vấn đề các tàu Hải quân IRGC tiếp cận ở cự ly gần trên biển.

Chưa thể sớm khôi phục JCPOA

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi còn tranh cử từng hứa rằng sẽ nhanh chóng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nhưng 3 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này, xem ra việc hành động khó hơn phát ngôn.

Tehran muốn Mỹ đáp ứng tất cả các yêu cầu của họ trước khi quay trở lại JCPOA nhưng chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang chịu áp lực trong Quốc hội sẽ không dễ dàng nhượng bộ trước các yêu sách của Iran, nhất là việc giảm nhẹ cấm vận.

Theo ông John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ hiện có lợi thế là những lệnh cấm vận được siết chặt từ thời ông Donald Trump, nhưng nếu Tổng thống Joe Biden từ bỏ lợi thế này, Iran sẽ “có được vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo”.

Trong khi đó, bảo vệ quan điểm cần tái gia nhập JCPOA, Chính phủ của ông Joe Biden lập luận rằng, việc rút khỏi JCPOA và áp đặt thêm các biện pháp cấm vận chỉ thúc đẩy Iran tăng cường phát triển chương trình hạt nhân.

Theo bà Emma Soubrier, học giả thỉnh giảng tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ), chính phủ của ông Joe Biden đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì nếu quá cứng rắn với Iran, Tehran sẽ không trở lại JCPOA nhưng mềm mỏng thì lại gặp áp lực trong nước. 

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, cơ hội vẫn mở rộng nhưng còn nhiều việc cần làm vì thời gian có hạn. Từ đầu tháng 4 vừa qua, các phái viên của Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran đã tổ chức nhiều vòng đàm phán ở Vienna nhằm khôi phục JCPOA và tìm cách đưa Mỹ trở lại tuân thủ thỏa thuận.

  Iran tuyên bố nước này có thể gia hạn một thỏa thuận cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thuộc Liên hiệp quốc giám sát một số hoạt động chính nếu tiến trình đàm phán giữa Tehran với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân tiếp tục “đi đúng hướng”. Tháng 2 vừa qua, IAEA và Iran đã đạt được một thỏa thuận, qua đó cho phép các thanh sát viên của cơ quan này tiếp tục thanh sát hoạt động tại các địa điểm hạt nhân đã được công bố ở Iran trong 3 tháng. Thỏa thuận trên sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 5 này. 

Tin cùng chuyên mục